Ngân hàng
Chủ tịch Techcombank: Chúng ta không đi dàn trải, nhưng không có nghĩa là không đa dạng
T.L - 22/04/2023 12:08
Hàng loạt vấn đề như chia cổ tức, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, cho vay quá nhiều vào bất động sản… được Chủ tịch HĐQT Techcombank giải trình trước cổ đông trong ĐHĐCĐ diễn ra sáng nay (22/4).

Mục tiêu lợi nhuận đi lùi vì thận trọng

Năm nay, Techcombank là ngân hàng đầu tiên năm nay  trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận đi lùi (giảm 14% so với năm 2022, đạt 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất). 

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, trước khi trình ĐHĐCĐ, ngân hàng đã đưa ra nhiều phương án: 28.000 tỷ, 22.000 tỷ và có thể thấp hơn. Sau đó, Ban lãnh đạo ngân hàng đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất.

“Trong giai đoạn khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn”, Chủ tịch Techcombank kỳ vọng.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Không tiết lộ kết quả lợi nhuận quý I/2023, song lãnh đạo ngân hàng này cho biết kết quả vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Năm nay, Techcombank dự kiến dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Do tăng trưởng tín dụng đang được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước, nên vào thời điểm này sẽ còn là khá sớm để nhận định năm nay sẽ là năm như thế nào với Techcombank.

Cổ đông băn khoăn về mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào trái phiếu, bất động sản

Năm 2022, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn đã gây ảnh đến Techcombank, do ngân hàng có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản lớn.

Việc ngân hàng có tỷ lệ tập trung quá lớn vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến cổ đông lo ngại. Có cổ đông chất vấn về việc ngân hàng nên chăng thay đổi mô hình hoạt động, đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho hay, mô hình mà Techcombank đang theo đuổi là tăng CASA, là lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Riêng về bất động sản, Techcombank đang tập trung vào những khách hàng tốt, kể cả giai đoạn khó khăn, ngân hàng vẫn quản trị được rủi ro, lợi nhuận ổn định.

“Chúng ta không đi dàn trải, nhưng không có nghĩa là không đa dạng, mà Techcombank cũng đang đẩy mạnh các phân khúc khác. Phân khúc SME, tiêu dùng phát triển trên nền tảng tốt số hoá, thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn.

Về bất động sản, đúng là Techcombank có lượng cho vay cao. Nhưng như tôi chia sẻ, phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Còn với dự án, Techcombank chọn được những khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ, vẫn tiếp tục triển khai kể cả trong giai đoạn khó khăn. Techcombank đang kiểm soát rất tốt chất lượng nợ cũng như tỷ lệ nợ xấu”, ông Hồ Hùng Anh khẳng định.

Về trái phiếu doanh nghiệp - tâm điểm lo ngại của thị trường thời gian qua - lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng luôn quản lý đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay, có tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, dù là ngân hàng có tỷ trọng tư vấn phát hành trái phiếu rất lớn, nhưng chưa trái phiếu nào mà TCBS tư vấn bị quá hạn mà không thanh toán. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị giảm sút rất mạnh song Chủ tịch Techcombank cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ quay trở lại.  

Riêng với dự án Masterise - nằm trong hệ sinh thái Techcombank - lãnh đạo ngân hàng này khẳng định Masterise không phải là chủ đầu tư bất động sản, mà chỉ là đơn vị phát triển, bắt tay với các chủ đầu tư và thu phí. Techcombank không có hoạt động tín dụng tài trợ đầu tư dự án bất động sản cho Masterise. Các dự án phát triển (Development) của Masterise vẫn hoạt động tốt.

Cho rằng, nợ xấu với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang được kiểm soát tốt, nên lãnh đạo Techcombank trấn an cổ đông không cần quá lo lắng khi vừa bị Moody's hạ bậc tín nhiệm.

“Việc hạ bậc tín nhiệm của Techcombank không có nghĩa ngân hàng kém đi. Chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề nào về rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank. Moody’s nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực, trong khi Techcombank là đơn vị cho vay bất động sản cao. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến đơn vị này hạ bậc tín nhiệm đối với Techcombank”, Tổng giám đốc Techcombank khẳng định.  

Nâng tỷ lệ sở hữu tại TCBS lên có thể làm gia tăng rủi ro?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Techcombank cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên trên 94%.

Theo lãnh đạo Techcombank, TCBS hoạt động hiệu quả trong 5 năm qua và trở thành một công ty chứng khoán hàng đầu với tỷ lệ sinh lời (ROA và ROE) luôn được giữ ở mức cao. Tuy nhiên, khả năng phát triển mở rộng kinh doanh của công ty bị giới hạn bởi vốn chủ sở hữu (cụ thể là giới hạn đầu tư trái phiếu là 70% vốn chủ sở hữu và giới hạn cho vay margin bị giới hạn là 200% vốn chủ sở hữu).

Chính vì vậy, TCBS có kế hoạch tăng vốn từ việc chào bán riêng lẻ cho Techcombank với số tiền tối đa là 10.242 tỷ đồng với giá mỗi cổ phần là 97.542 đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của TCBS với số tiền nêu trên. Sau đầu tư, tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại công ty chứng khoán này sẽ tăng từ 88,8% lên 94,22%.

Thị trường chứng khoán đang gặp nhiều bất lợi khiến một số cổ đông tỏ ra lo ngại về chủ trương này. Dù vậy, ông Hồ Hùng Anh cho rằng, công ty chứng khoán trong năm 2022-2023 có những biến động, nhưng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi lại. TCBS là đơn vị dẫn đầu về tư vấn trái phiếu cũng tư như vấn phát hành, nên việc tập trung thế mạnh là điều phù hợp.

Năm 2023 có thể là năm cuối cùng không chia cổ tức

Về cổ tức, như thường lệ, năm nay, Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ mà không chia cổ tức cho cổ đông. Hiện tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 đạt hơn 58.000 tỷ đồng. Đây sẽ là năm thứ 12 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Mặc dù vậy, Techcombank vẫn tiếp tục phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Năm nay, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của nhà băng. Nếu được thông qua, đây là năm thứ 6 liên tiếp Techcombank phát hành hàng triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên.

Nhiều cổ đông bày tỏ về việc ngân hàng 12 năm liên tiếp không chia cổ tức và đề nghị chia cổ tức tiền mặt, ông Hồ Hùng Anh cho rằng, chia cổ tức bằng tiền mặt phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư vào phát triển ngân hàng. Từ góc nhìn cá nhân, Chủ tịch Techcombank cho rằng, giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5-10 lần hiện tại.

Ngoài ra, Chủ tịch Techcombank cũng cho hay, HĐQT ngân hàng có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, song khi làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay chưa có quy định hướng dẫn, mà đang hoàn thiện. Vì vậy, HĐQT sẽ thông tin với cổ đông ngay khi có hướng dẫn cụ thể hơn.

Tin liên quan
Tin khác