Doanh nghiệp
Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài: Đừng khởi nghiệp chỉ vì đam mê
Hồng Phúc - 06/12/2016 08:25
Trong buổi Diễn đàn lãnh đạo trẻ 2016 vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thế giới di động cho rằng, để khởi nghiệp thành công đầu tiên phải trả lời câu hỏi, sản phẩm của mình đã tạo ra giá trị gì cho khách hàng chứ không phải tôi khởi nghiệp vì đam mê.

Khi bắt đầu làm việc tại Thế giới di động, ông Tài có 35% thị phần với tài sản khoảng 800 tỷ đồng. Hiện ông chỉ nắm giữ 17% thị phần nhưng sở hữu khoảng 3.300 tỷ đồng.

Mở đầu câu chuyện ông kể về quá trình khởi nghiệp của bản thân. Năm 1995 trở về từ Pháp với tấm bằng thạc sĩ tài chính và làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn của Thụy Sỹ. Nhưng, quan điểm “chẳng lẻ làm công ăn lương suốt cả đời” nên ông quyết định lập công ty riêng.

Ông Nguyễn Đức Tài khẳng định lần đầu nhận ra, Thế giới di động khởi nghiệp vì giá trị khách hàng chứ không phải đam mê.

“Lúc đó tôi nghĩ, mới hơn 20 tuổi làm giám đốc tài chính mà đã có xe hơi đưa đón, được cấp xe riêng. Lỡ đến sau này khoảng 40 tuổi lên chức lại được cấp máy bay riêng đi làm. Nhưng tôi không muốn mọi thứ yên ổn như thế”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.

Năm 2003, ông khởi nghiệp bằng 3 cửa hàng điện thoại di động và đến 2004 ông cùng 4 cộng sự thành lập CTCP Thế giới di động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng (Trong đó ông góp 700 triệu đồng).

“Mỗi năm chúng tôi bán từ 7 đến 8 triệu cái điện thoại. Tuy nhiên, ở tuổi 35 này cho khởi nghiệp lại, tôi không dám nữa bởi rủi ro nhiều quá. Không có độ tuổi nào quy chuẩn cho khởi nghiệp nhưng tôi nghĩ đừng quá già hoặc quá trẻ. Bởi quá già thì khi thất bại không còn thời gian, cơ hội để làm lại; còn quá trẻ thì tính bồng bột háu thắng, chủ quan dễ thất bại khiến dễ nản lòng”, ông Tài nói.

Ông còn cho rằng, nhiều quan điểm cho rằng nguồn lực về vốn không có nhiều nên không thể khởi nghiệp chỉ là cái cớ. Ông đưa ví dụ như số vốn ban đầu để bắt đầu với công ty chỉ 2 tỷ đồng mà sau 10 năm phát triển, Thế giới Di động có 1.102 siêu thị, trong đó có 929 siêu thị Thegioididong.com và 173 siêu thị Điện máy XANH. Giá trị thương hiệu ước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Về vấn đề phát triển chuỗi, ông Tài nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải quản lí được khả năng vận hành, quản trị tốt chứ không phải cứ đại gia là có thể phát triển chuỗi. Để làm được điều đó, theo cách nói của ông là phải có “cộng sự tốt luôn sẵn sàng cầm súng lên là bắn”. Đội ngũ nhân sự mà công ty này đang có là đảm bảo chữ tín và thành tâm. Vì vậy, ông từng khẳng định không công ty nào có thể lấy được “tướng giỏi” của Thế giới di động.

“Đến hôm nay tôi mới phát hiện ra, từ xưa đến nay chúng tôi đang làm và phát triển là vì muốn tạo ra giá trị cho khách hàng, cho người tiêu dùng chứ không phải vì chúng tôi đam mê gì cả. Chỉ có nhắm đến việc tạo ra giá trị gì cho khách hàng, công ty mới có thể tồn tại. Ở Thế Giới Di Động, chúng tôi bán sự hài lòng và phải làm cho mọi thứ thật đơn giản thì mới có thể nhân bản nhanh được”, ông Tài nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc CTCP Công nghiệp Vĩnh Tường chia sẻ, không có công thức chung cho một starup thành công tuy nhiên, người khởi nghiệp nên chú ý vào hai yếu tố quan trọng. Một là, đừng khởi đầu với đam mê mà phải bằng nguyên tắc tạo ra giá trị hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu. Hai là, luôn luôn cải tiến bản thân.

Bởi lẽ, thị trường hiện nay thay đổi rất nhanh từ khách hàng, môi trường đến nguồn lao động.

“Sự phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến 70% quyết định mua hàng xảy ra trước khi người tiêu dùng đến gặp tư vấn viên hay nhân viên của chúng ta. Hay sự trỗi dậy của những người khổng lồ “vô sản” như Uber, AirBnB nhờ vào nền kinh tế chia sẻ, thế giới đang thay đổi rất nhanh. Sẽ không còn công ty lớn không còn đánh bại công ty nhỏ mà sẽ là người nhanh đánh bại kẻ chậm. Do đó, nếu xác định làm doanh nhân phải học cách thay đổi suy nghĩ, thay đổi tư duy và học cách giải quyết vấn đề nếu không muốn luôn là người bị loại khỏi đường đua”, ông Huy chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác