Đầu tư
Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp bất cứ lúc nào
Ngọc Tân - 03/07/2016 08:21
“Lãnh đạo tỉnh luôn luôn sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải đáp những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi cam kết luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp khi đến tìm hiểu đầu tư làm ăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.”

Đó là cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao tại buổi Toạ đàm Xúc tiến đầu tư nước ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 diễn ra vào chiều 2/7.

Buổi Toạ đàm có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài và hơn 100 đại diện các doanh nghiệp đến từ Đức, Ý, Anh, Nhật Bản, Singapore,  Đài Loan, Hàn Quốc.

Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp khi đến đầu tư vào tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự Toạ đàm về những tiềm năng lợi thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong đó nhấn mạnh việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh nhằm phát huy những tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển kinh tế.

Theo chủ tịch Cao, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế không ngừng phát huy nội lực, mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, mở rộng các hình thức thu hút đầu tư từ bên ngoài, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu và triển khai dự án, kết quả đã thu hút được nhiều dự án lớn trong và ngoài nước đến với tỉnh.

“Mặc dù nhiều tiềm năng lợi thế, tuy vậy nền  kinh tế TT Huế vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, vì vậy tỉnh luôn mong muốn được hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư các doanh nghiệp đến hợp tác với tỉnh”, Chủ tịch Cao chia sẻ

Tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, những năm vừa qua, trong giai đoạn 2011 đến 2015, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc duy trì sự ổn định về kinh tế vĩ mô, riêng tăng trưởng năm 2015 vẫn duy trì 6,7%, là 1 trong 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng trong năm 2015. Nền kinh tế Việt Nam có dân số 92 triệu người có quy mô và sức mua ngày càng tăng nhanh. Và hiện nay lãnh đạo mới của Chính phủ rất quyết tâm tiếp tục quá trình đổi mới phát triển nền kinh tế. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Pháp Đức, Ý là những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam và trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng. Hiện nay Việt Nam đã và đang chuẩn bị thực hiện các hiệp định thương mại như FTA, TPP, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Âu, Liên minh Châu Âu. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, Việt Nam là nước có độ mở về thương mại và cơ chế đầu tư rộng mở nhất trong số các nước đang phát triển. Mặc dù vậy, Chính phủ nhận thức rằng việc thực hiện các thoả thuận thương mại và đưa những thoả thuận đó vào thực tế còn nhiều thách thức.

Về những tiềm năng lợi thế của Thừa Thiên Huế trong thu hút đầu tư, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhiều tiềm năng, trong đó về lĩnh vực giáo dục, về hệ thống giao thông hạ tầng, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương trong công tác đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

“Với sự quan tâm, sát sao từ lãnh đạo tỉnh, tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp khi đến Thừa Thiên Huế sẽ tìm được những cơ hội làm ăn rất tốt tại đây”, Thứa trưởng Trung chia sẻ.

Theo ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp HQ tại Việt Nam, hiện nay Hàn Quốc có hơn 4.619 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 45 tỷ USD, chắc chắn con số này sẽ tăng lên trong những năm tới, và trong năm 2016 dự kiến có hơn 5 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình đầu tư, vai trò địa phương rất quan trọng, rất mong chính quyền địa phương theo sát hơn nữa để nắm bắt những khó khăn cho doanh nghiệp từ đó đệ trình lên Chính phủ để chúng ta có được môi trường đầu tư minh bạch hiệu quả.

Ông Hong Sun đánh giá, Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lich, cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn thiện. Vì vậy, cso thể từ sau buổi Toạ đàm, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành địa điểm đầu tư tiếp theo của doanh nghiệp Hàn quốc.

“Tại Việt Nam, Thừa Thiên Huế mặc dù không phải là một đô thị thương mại phát triển mạnh nhưng Thừa Thiên Huế có những tiềm năng về du lịch, nông nghiệp. Và doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới lĩnh vực này. Nếu Thừa Thiên Huế có một sân bay quốc tế, có đường bay thẳng đi đến Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các nước thì kinh tế địa phương sẽ phát triển mạnh hơn nữa”, ông Hong Sun góp ý.

Cũng tại Tọa đàm, Ban tổ chức đã có tổ chức thành công kết nối kinh doanh gồm Tập đoàn Kaiokai - Nhật Bản kết nối với các doanh nghiệp đến kinh doanh hạ tầng khu Công nghiệp, Khu Kinh tế tỉnh, Công ty xây dựng và phát triển đô thị, Công ty nuôi trồng và chế biến thủy sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư tại các Khu Công nghiệp, khu kinh tế, đô thị và xúc tiến thương mại về thủy sản. 15 nhà đầu tư nước ngoài tham gia kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế để chuẩn bị cho các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, 2 nhà đầu tư kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để phát triển tua, tuyến và đưa khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên Huế, 1 nhà đầu tư quan tâm kết nối các dự án Khu đô thị, bất động sản.  

Cũng trong sáng 2/7, Ban Tổ chức đã tổ chức các chương trình đi khảo sát thực địa tại các vùng trọng điểm về kêu gọi đầu tư, trong đó có 40 nhà đầu tư đi khảo sát Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô, 6 nhà đầu tư tham gia khảo sát các Khu Công nghiệp; 8 nhà đầu tư tham gia khảo sát các tua, tuyến gắn với quần thể di tích và văn hóa Huế; 4 nhà đầu tư khảo sát du lịch ven biển và đầm phá.

Tin liên quan
Tin khác