Sáng 10/3, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã có buổi đối thoại, tiếp công dân các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đến khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A.
Tham dự buổi đối thoại còn có ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện liên quan; chủ đầu tư thực hiện các Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A.
Theo UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài là 73,8 Km, đi qua địa bàn 5 huyện, thị, thành gồm: Thị xã Hoàng Mai (14 km); huyện Quỳnh Lưu (12,25 km), huyện Diễn Châu (28,05 km), huyện Nghi Lộc (13,96km) và thành phố Vinh (5,54 km). Từ năm 1994 đến nay, Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh đã thực hiện 2 dự án mở rộng, nâng cấp QL1A gồm: Dự án khôi phục Quốc lộ 1 thời điểm 1994 - 1996 (Dự án PMU 1); Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A thời điểm 2010 – 2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung lắng nghe các kiến nghị của công dân tại buổi đối thoại. |
Tại Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A thời điểm 2010 – 2015, số hộ dân bị ảnh hưởng phải lập phương án bồi thường là 4.897 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, có 4.139 hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số hộ phải di dời, tái định cư là 131 hộ gia đình, cá nhân. Diện tích đất phải thu hồi để giải phóng mặt bằng là 144 ha (trong đó đất nông nghiệp là 63 ha; đất ở là 46 ha và đất khác là 35 ha). Dự án này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến trước 15/04/2014; kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng đến thời điểm 15/04/2014 là 910 tỷ đồng.
Sau khi Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A thời điểm 2010 – 2015 hoàn thành, nhiều công dân đã có đơn khiếu nại, khiếu kiện gửi đến các cơ quan chính quyền và Tòa án nhân dân các cấp yêu cầu bồi thường đối với diện tích đất của các hộ gia đình nằm trong hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 1A đã bị giải tỏa khi thực hiện Dự án khôi phục Quốc lộ 1 thời điểm 1994 - 1996 (Dự án PMU 1) nhưng trước đây mới được bồi thường về tài sản, chưa được bồi thường về đất.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để xin ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp bổ sung kinh phí nguồn trái phiếu Chính phủ cho tỉnh Nghệ An (đối với đoạn từ Cầu Giát đến TP Vinh) với tổng số tiền 222,388 tỷ đồng (Quỳnh Lưu 131,473 tỷ đồng; Diễn Châu 77,072 tỷ đồng; Nghi Lộc 11,449 tỷ đồng; Thành phố Vinh 2,393 tỷ đồng). Tính đến 31/12/2020, toàn bộ số kinh phí 222,388 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được giải ngân, chuyển về cho các địa phương để hoàn thiện thủ tục chi trả cho các công dân.
Ngày 9/2/2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại buổi làm việc ngày 04/02/2021 bàn giải quyết các tồn tại vướng mắc trong công tác giải quyết đơn thư về bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A.
Tại buổi đối thoại, các công dân tham dự đã trình bày nội dung khiếu nại của mình liên quan đến chính sách đền bù khi thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A; đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải quyết dứt điểm nội dung khiếu nại.
Sau khi nghe ý kiến của các ngành, địa phương có liên quan, Chủ tịch Nguyễn Đức Trung đề nghị các công dân chấp hành các phán quyết của Tòa án. Hiện nay những nội dung công dân kiến nghị đã được các cấp chính quyền giải đáp. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, chính quyền đã thực hiện đảm bảo quyền và lợi ích của công dân theo đúng quy định.
Liên quan đến những tố cáo của công dân về việc lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, hiện nay huyện Nghi Lộc đã có giải trình, tuy nhiên công dân không đồng ý với nội dung trả lời của huyện. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Thanh tra tỉnh thực hiện việc rà soát, làm rõ các nội dung tố cáo của công dân, giải quyết dứt điểm các nội dung tố cáo này, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/4/2021. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị huyện Nghi Lộc rà soát lại các trường hợp được đền bù bổ sung; đồng thời giao Thanh tra tỉnh trực tiếp xem xét, giải quyết khiếu nại của các công dân đã được UBND huyện Nghi Lộc giải quyết lần 1 nhưng công dân không đồng tình nên thực hiện khiếu nại lần 2, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.
Về nội dung khiếu nại của các công dân huyện Diễn Châu đã được UBND huyện Diễn Châu giải quyết, tuy nhiên công dân không đồng ý nên đã khởi kiện lên Tòa án. Hiện nay Tòa án nhân dân tỉnh đã có quyết định thụ lý vụ án, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị công dân cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để Tòa án xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, huyện Diễn Châu cũng cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Tòa án để giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Về nội dung các hộ dân tại thị xã Hoàng Mai kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các hộ dân chia sẻ với khó khăn của tỉnh. Đoạn đường từ thị xã Hoàng Mai đến Cầu Giát thực hiện từ nguồn vốn BOT nên hiện nay chưa có nguồn vốn để bố trí thực hiện công tác đền bù cho các hộ dân. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay tỉnh đang tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh để bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đối với đề nghị giải quyết trích lục trích đo cho 53 hộ dân phường Quỳnh Xuân để UBND thị xã Hoàng Mai có cơ sở lập hồ sơ bồi thường theo quy định cho công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ an giao UBND thị xã Hoàng Mai chủ trì, lập Tổ công tác liên ngành, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông vận Tải, Tài chính, Chủ đầu tư các Dự án để phối hợp rà soát, thu thập hồ sơ tư liệu (hồ sơ đất đai, thiết kế kỹ thuật, hệ thống cọc mốc...); căn cứ quy định của pháp luật và điều kiện thực tế để xử lý các vướng mắc, đảm bảo có phương án xác định ranh giới, diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ.