Theo ông Trần Hùng Huy, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, sáp nhập các ngân hàng yếu kém, ACB cũng liên tục đưa ra các đánh giá để tìm kiếm cơ hội về M&A trong lĩnh vực này.
Nhưng ông Huy cho rằng, việc đưa ra hoạt động M&A hoặc mua lại ngân hàng khác, phải tính đến giá trị mang lại cho ACB thế nào và định hướng hoạt động có phù hợp không.
Tuy nhiên, trong năm gần đây, ACB đánh giá chưa có ngân hàng phù hợp nên Ngân hàng chưa có ý định M&A thêm một ngân hàng khác và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đánh giá nếu có thì sẽ cân nhắc.
Cũng theo Chủ tịch ACB, kinh tế năm 2023 được nhận định còn khó khan hơn so với năm trước. Điều này cũng đã được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2023 của ACB. Song với kế hoạch kinh doanh đưa ra cho năm nay, theo ông Huy, Ngân hàng vẫn tự tin để đạt được.
Trong báo cáo thường niên vừa được công bố, Chủ tịch ACB cũng đã có thư gửi tới các cổ đông. Chủ tịch ACB cho rằng, trong năm 2022, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã phải đối mặt với những thách thức khó khăn. Môi trường hoạt động kinh doanh bất ổn, bất trắc và bất định.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta lại phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. GDP tăng 8,02% so với năm trước, có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Chính sách tiền tệ nói chung được điều hành cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh chung đó, ACB đã thực hiện thành công các mục tiêu về tăng trưởng tổng tài sản, duy trì kết quả kinh doanh ở mức cao, đồng thời tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của NHNN.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của ACB đạt 608 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 8,96% và cao hơn mức tăng 7,98% của ngành. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 14,31%, xấp xỉ mức tăng 14,17% của ngành.
Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thuộc TOP những ngân hàng dẫn đầu, đạt 159% vào cuối năm 2022. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 17.114 tỷ đồng, tăng 43%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản: 2,41%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 26,49%.
Năm 2023, ACB dự báo tình hình kinh té thế giới và trong nước tiếp tục có cơ hội và thách thức đan xen nhau, nhưng thách thức sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng nói riêng và doanh nghiệp nói chung nhận thức được và tin tưởng rằng Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo như vậy, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kế hoạch tài chính chủ yếu năm 2023, trong đó, tổng tài sản tăng 10%, huy động khách hàng tăng 8,1%, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,7% và phù hợp với hạn mức tín dụng của NHNN cấp cho ACB. Tổng lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 17,2%.
Chủ tịch ACB cho rằng, kinh tế năm 2023 được nhận định còn khó khan hơn so với năm trước. Điều này cũng đã được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2023 của ACB. Song với kế hoạch kinh doanh đưa ra cho năm nay, theo ông Huy, Ngân hàng vẫn tự tin để đạt được. "HĐQT tin rằng Ban điều hành sẽ thực hiện thành công kế hoạch”, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết thêm.