Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành kể, ông đã làm quen với M&A từ cách đây khoảng 20 năm. Khi đó, ông còn làm ở Sacombank, đã thực hiện sáp nhập thành công hai ngân hàng nông thôn là Ngân hàng Đông Phương và Ngân hàng Thạnh Thắng vào năm 2001.
Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội M&A lớn |
Với bề dầy kinh nghiệm cá nhân, Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành chia sẻ, nếu kiểm soát, quản trị tốt, M&A là cơ hội, nhất là khi Việt Nam đang trong nền kinh tế mở. "Các định chế tài chính cũng đang nhìn thấy vấn đề này. Năm 2024, sau những biến động lớn trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có thể nói chúng ta cũng đứng trên đường đua mới, đan xen thách thức và cơ hội. Đây cũng là điều bình thường", ông Thành nhận định.
M&A không chỉ là cơ hội cho người mua mà cả người bán, điểm quan trọng là chúng ta biết chọn thời điểm thích hợp để M&A.
Cụ thể, bên bán phải chọn thời điểm để thấy được nội lực tốt nhất ở thời điểm nên bán. Còn người mua, thông qua M&A cũng được xem là cơ hội để có thể mở rộng quy mô hoạt động khi có thời điểm thích hợp. Còn nếu để suy mới bán thì không được người mua đánh giá cao. Ngược lại, người mua cũng phải dám mua, mua tương lai, đòi hỏi chiến lược của doanh nhân và phải dám chấp nhận chi phí cơ hội. Khát vọng doanh nghiệp Việt Nam phải cùng chung tay với doanh nghiệp nước ngoài trên đường đua mới.
“Với chiến lược phát triển của một doanh nhân, thì bất cứ ở một thời kỳ nào chúng tôi cũng luôn đặt khát vọng này lên đầu. Để thực hiện được ước mơ này, TTC đã vận dụng chiến lược M&A rất thành công trong 44 năm hoạt động của mình”, ông Thành chia sẻ kinh nghiệm.
Các diễn giả tham gia Phiên 2 với chủ đề "Cộng hưởng sức mạnh" tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 |
Ông kể, năm 2010, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon đã tìm đến và trao đổi với ông về việc muốn tìm người để nhượng lại dự án mà ông ấy đã ấp ủ rất lâu, sau 16 năm đặt nền móng cho nhà máy và phát triển tại thị trường Việt Nam. Lúc đó, Bourbon Tây Ninh là nhà máy đường lớn nhất tại Việt Nam, với công suất gần 10.000 tấn mía cây/ngày. Ngoài mía đường, nhà máy còn sản xuất điện sinh khối.
"Câu nói của Chủ tịch Bourbon làm tôi nhớ mãi, đó là “Với đứa con sinh ra sau 16 năm và trách nhiệm với những người nông dân đã gắn bó với Bourbon, nên tôi muốn tìm kiếm người tâm huyết như TTC để chuyển giao”, ông Thành kể và cho biết, ông rất ngưỡng mộ các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là người Pháp, vì họ luôn đề cao trách nhiệm với cán bộ, nhân viên Bourbon và cả người dân trồng mía ở Tây Ninh cũng như Gia Lai.
Theo Chủ tịch TTC, với những chủ doanh nghiệp có tầm nhìn, trách nhiệm với đồng vốn của chính họ và đồng vốn của cổ đông, người lao động, thì khi cảm thấy lĩnh vực đang hoạt động không còn khả năng đứng một mình trên thương trường, chắc chắn họ sẽ sớm tìm đối tác để hợp tác. Ngược lại, ở góc độ người mua, nếu có điều kiện thì M&A chính là cơ hội để phát triển, tất nhiên phải chấp nhận chi phí cơ hội thông qua con đường “tắt” này.
“Năm 2024, thị trường có nhiều biến động nên chúng ta cũng phải biết nắm bắt cơ hội. Trong bối cảnh hiện nay, nếu có cơ hội chúng ta có thể mua đứt, bán đoạn doanh nghiệp thông qua M&A hoặc có thể gọi thêm cổ đông chiến lược bằng việc chuyển giao từng phần, với tỷ lệ cổ phần bán có thể 36%, 49%,; 51% và 65%”, Chủ tịch TTC chia sẻ.
Tuy nhiên, để thành công trong thời kỳ hậu M&A, Chủ tịch TTC cho rằng, cần phải biết tích hợp văn hóa của hai công ty với nhau. Điều này rất quan trọng, vì sau tiếp nhận một doanh nghiệp khác, nếu không thể hài hòa được sẽ rất khó, nhất là vấn đề văn hóa doanh nghiệp.
Trong đó, về vấn đề lao động, sau tiếp nhận, TTC sẽ có một đội ngũ “cán bộ khung” cốt cán của Tập đoàn xuống đào tạo lại, lưu dụng người lao động; đánh giá, phân loại, xếp loại, giao thêm nhiệm vụ hoặc giảm bớt công việc... nhằm tạo mọi điều kiện để người lao động ở đơn vị mới có thể hội nhập vào TTC một cách tốt nhất.