Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành |
Phát biểu tại hội nghị Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 trong sáng ngày 7/1, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành nói: “Sẽ là trọn vẹn hơn nếu như năm 2016, Vietcombank thực hiện thành công phát hành cổ phiếu để tăng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Song do dự kỳ vọng của thị trường vào Vietcombank quá lớn nên giá cổ phiếu của Vietcombank tăng cao bao giờ hết, tăng gấp hơn 2 lần so với các ngân hàng cùng quy mô và tính chất. Do đó, trong năm 2016, việc tăng vốn thông qua chủ trương của Chính phủ và NHNN bằng việc phát hành cho cổ đông nước ngoài vẫn chưa thực hiện được theo tiến độ đề ra”.
Năm 2016 vừa qua ghi nhận một năm thành công rực rỡ của Vietcombank với lợi nhuận trước thuế kỷ lục (8.212 tỷ đồng). Ngân hàng này cũng đã dọn sạch nợ xấu ở VAMC, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,45%.
Chỉ số ROAA, ROAE của ngân hàng đạt tương ứng là 0,90% và 14,2%, cao hơn mặt bằng chung của thị trường và tăng so với cuối năm 2015.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh, Vietcombank là ngân hàng hàng đầu Việt Nam, luôn tạo được sự tin cậy với Chính phủ, NHNN về hiệu quả kinh doanh, chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Những thông tin tích cực khiến cổ phiếu Vietcombank năm qua tăng vọt, đứng đầu ngành và bỏ xa các cổ phiếu ngân hàng còn lại. Hiện tại, cổ phiếu VCB có giá 38.000 đồng/CP trong khi cổ phiếu của Vietinbank, BIDV chỉ 15.000- 17.000 đồng/CP. Vietcombank cũng liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu Vietcombank ở mức quá cao đang gây khó khăn cho ngân hàng này trong quá trình đàm phán bán 7,73% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài (Quỹ đầu tư quốc gia Singapore – GIC).
Năm 2016, Vietcombank và GIC đã ký Thỏa thuận ghi nhớ, theo đó, GIC sẽ mua 305.810.895 cổ phần mới của Vietcombank. Theo thông tin rò rỉ, số tiền mà GIC chào mua khoảng 400 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư vào ngân hàng Việt Nam đầu tiên của GIC.
Theo giới chuyên gia, GIC đầu tư vào Vietcombank là lựa chọn khôn ngoan bởi trên thị trường, Vietcombank là ngân hàng được đánh giá là “sạch” và khỏe nhất hệ thống.
Bên cạnh đó, việc quản lý tốt chất lượng tín dụng và chưa phải “gánh” ngân hàng yếu kém nào cũng giúp tài sản của Vietcombank sạch sẽ, minh bạch, nợ xấu thấp.
Trước GIC, cổ đông chiến lược hiện hữu của Vietcombank là Mizuho cũng đã thắng lớn khi khoản đầu tư 600 triệu USD vào Vietcombank năm 2011 giờ đã có giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD. Mizuho cũng đang có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank lên 20%.
Việc chào bán thành công 7,73% cổ phần cho GIC sẽ giúp Vietcombank nhanh chóng tăng mạnh vốn điều lệ, giúp ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) vững chắc hơn khi chính thức áp dụng Hiệp ước Basel II được áp dụng. Hiện tại, hệ số CAR của ngân hàng là 10,29%.
Trong năm 2016, Vietcombank đã thực hiện thành công hai đợt tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn và tạo điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh. Cụ thể, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ ~35% (tương đương 9.328 tỷ đồng) từ nguồn lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn cổ phần và phát hành thành công khoảng 8.000 tỷ trái phiếu ra công chúng và cho các định chế tài chính, trong đó cso 6.000 tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Năm 2017, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 9.200 tỷ đồng.