Theo ông Lê Đức Thọ, những kết quả trong phòng chống, đẩy lùi covid 19 tại Việt Nam đã tạo ra niềm tin lớn, khí thế mới của người dân và DN vào phát triển kinh tế đất nước.
Đối với hệ thống ngân hàng nói chung và VietinBank, thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng thiết thực, lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều so với trước khi có dịch, giảm mạnh phí dịch vụ, đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu tín dụng chính đáng của DN và người dân.
Tính đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã giải ngân cho 6.000 khách hàng gặp khó khăn do Covid - 19 với doanh số giải ngân trên 150.000 tỷ đồng, hạ 1-2% lãi suất cho vay so với trước khi có dịch. Năm 2020, VietinBank dự kiến sẽ giảm 3 - 4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận do giảm lãi suất, giảm phí. Chỉ tính riêng từ 23/1 đến nay, ngân hàng đã giảm 800 tỷ đồng tiền lãi.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực triển khai cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, công khai minh bạch điều kiện, thủ tục, đối tượng cơ cấu nợ. Đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã cơ cấu nợ cho hàng nghìn khách hàng với dư nợ trên 50.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại là 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tăng cường cải cách quy trình thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, DN…
Dù cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh song do trên thế giới, dịch vẫn diễn ra phức tạp, Chủ tịch VietinBank cho rằng, ngành ngân hàng chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh, chủ yếu do sụt giảm nhu cầu tín dụng và khách hàng giảm khả năng trả nợ đúng hạn, tăng nguy cơ nợ xấu. Chính vì vậy, các ngân hàng rất cần sự chia sẻ của khách hàng và sự hỗ trợ kịp thời về mặt chính sách của Chính phủ.
Cụ thể, với DN, Chủ tịch VietinBank đưa ra 3 đề nghị.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả vài, cân đối được nguồn trả nợ; phối hợp với ngân hàng minh bạch tài chính, chứng minh thiệt hại, không trục lợi chính sách.
Thứ hai, đề nghị DN cần tận dụng cơ hội để tái cấu trúc kinh doanh, nang cao năng lực tài chính, tăng cường chuối liên kết, minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để thay thế hình thức vay vốn bằng thế chấp tài sản sang vay tín chấp bằng quản lý dòng tiền.
Thứ ba, NHTM cũng là một doanh nghiệp, cần đảm bảo kinh doanh chất lượng, an toàn, hiệu quả. Việc giảm lãi suất bản chất là ngân hàng chia sẻ từ lợi nhuận của chính mình nên có giới hạn nhất định và rất cần sự chia sẻ của cộng đồng DN, của các đối tác để cùng khắc phục khó khăn, phát hát triển bền vững.
Đối với Chính phủ, lãnh đạo VietinBank đề nghị, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 91 và sớm phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội), có giải pháp tăng hiệu quả đầu tư công và có cơ chế để ngân hàng chủ động tham gia quá trình này; có cơ chế khuyến khích tổ chức tín dụng tham gia thanh toán trực tuyến, cung ứng dịch vụ công trực tuyến.
Lãnh đạo VietinBank cũng nhắc lại kiến nghị của ngành ngân hàng với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị nhà mạng giảm cước tin nhắn với lĩnh vực ngân hàng về mức thông thường hoặc ít nhất là giảm 50% so với mức hiện nay.