Ngân hàng - Bảo hiểm
Chủ tịch VietinBank, Agribank đề nghị gỡ khó tăng vốn, cổ phần hóa
Thùy Liên - 08/01/2024 13:52
VietinBank đề nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong 5 năm tới để tăng vốn, trong khi Agribank kiến nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn về phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất để cổ phần hóa.
Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Trần Minh Bình.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng sáng nay (8/1), Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Trần Minh Bình đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Hiện tại, VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; Phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cũng bày tỏ ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong cổ phần hóa.

Theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hoá chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc, nên việc xử lý kéo dài. Mặc dù rất cố gắng, song trong năm 2023 cũng chỉ xử lý được 12 mảnh, hiện còn 29 mảnh/2.174 mảnh vẫn chưa giải quyết được.

Chủ tịch HĐTV Agribank, ông Phạm Đức Ấn.

“Agribank sẵn sàng bàn giao nguyên trạng cho địa phương 29 mảnh còn vướng mắc này để triển khai cổ phần hoá. Do vậy, Ngân hàng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này mà không chờ xử lý tổng thể sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực”, Chủ tịch Agribank đề xuất.

Ngoài ra, lãnh đạo Agribank cũng đề nghị Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại thực hiện chính sách.

Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010, nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù. 

Trong năm 2023, các ngân hàng thương mại nhà nước đã thể hiện rõ vai trò chủ lực, dẫn dắt thị trường, có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh, từ đó góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, Agribank đã 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho nhiều đối tượng khách hàng với mức giảm lớn nhất 4%/năm; tính chung cả năm 2023, tổng số lãi Agribank hỗ trợ cho khách hàng là khoảng 4.850 tỷ đồng. Agribank triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 200.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn về dòng tiền trả nợ. 

VietinBank năm qua cũng đã triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, như chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước với dư nợ hỗ trợ lãi suất 12.000 tỷ đồng, là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất so với các ngân hàng thương mại khác; tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; Tập trung đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.

Tin liên quan
Tin khác