Điểm nóng
Chủ trương cấp giấy phép lái xe số tự động gây tranh cãi
Đoàn Loan - 16/05/2015 07:11
"Trước khi cấp giấy phép lái xe số tự động, cơ quan quản lý phải hoàn thiện thể chế để ngăn chặn tình trạng người sử dụng xe không đúng bằng lái", ông Minh nói.
Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được đổi mới. Ảnh: Xuân Hoa.

 

Trao đổi với PV về đề xuất cấp thêm giấy phép lái xe số tự động ngày 15/5, ông Trần Hữu Minh, Giảng viên Đại học Giao thông, nhận xét, chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn theo xu hướng nhiều nước phát triển trên thế giới. Các nước Đức, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Singapore, Nam Phi... đều có cấp riêng loại bằng này vì nguyên lý hoạt động của hai loại xe số tự động và xe số sàn khác nhau, nên kỹ năng sử dụng xe khác nhau, đòi hỏi người lái phải học và thi lấy bằng riêng biệt. Các nước này không gộp việc học sử dụng 2 loại xe như ở Việt Nam.

Ông Minh cho biết, các nước phát triển quản lý lái xe và phương tiện rất chặt chẽ. Trước khi sử dụng xe thì người lái phải mua bảo hiểm phương tiện, khai báo những người được sử dụng chiếc xe đó thì mới được thanh toán bảo hiểm khi gặp tai nạn, nên hầu như không có tình trạng mượn ôtô tràn lan như ở Việt Nam. Khi người lái có nhu cầu đổi xe số tự động sang số sàn, họ sẽ tiếp tục thi lấy bằng lái xe số sàn. Khi có bằng lái xe số sàn thì hiển nhiên được sử dụng xe số tự động, cơ quan quản lý tự động hủy bằng xe số tự động. 

Tuy nhiên, theo ông Minh, trở ngại ở Việt Nam là tình trạng một phương tiện có nhiều người cùng sử dụng trong một gia đình hoặc người lái xe mượn phương tiện của người khác nên cơ quan chức năng khó kiểm soát, dẫn đến nguy cơ tai  nạn giao thông nếu người có bằng xe số tự động lại lái xe số sàn. 

"Tôi đồng tình cấp thêm giấy phép lái xe số tự động, song trước khi cấp, cơ quan quản lý phải hoàn thiện thể chế để ngăn chặn tình trạng người sử dụng xe không đúng quy định", ông Minh nói.

Khác với quan điểm của ông Trần Hữu Minh, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, tỏ ý không đồng tình với việc cấp thêm giấy phép lái xe số tự động vì sẽ gây khó cho người dân nếu muốn sử dụng sang lái xe số sàn. Ngoài ra, cảnh sát giao thông khó kiểm tra bằng lái của người điều khiển xe trên đường nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

"Người đi xe số tự động gây tai nạn nhiều một phần do giáo trình học hiện nay chưa tốt nên cần phải cải tiến chương trình học, chứ không cần phải có giáo trình riêng và cấp bằng riêng cho phương tiện này", ông Liên nó và cho rằng chỉ cần có một loại bằng được sử dụng cả xe số sàn và số tự động như hiện nay vì người dân thích đi xe gì thì họ có thể đi, mà không lo lắng việc thay đổi bằng.

Một cán bộ Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ) cũng nhận định, rất dễ xảy ra tai nạn nếu người có bằng lái xe số tự động mà lại ngồi lên xe số sàn, cảnh sát giao thông sẽ khó khăn khi kiểm soát những người này.

Vị này cũng cho rằng, nên sử dụng một loại bằng như hiện nay bởi trong chương trình đào tạo lấy bằng B1 hiện nay, phần lớn lái xe học về xe số sàn song vẫn được học thêm 10 giờ về xe số tự động để có thể sử dụng phương tiện này. Tổng cục Đường bộ còn dự định sắp tới tăng thêm giờ đào tạo xe số tự động để người học thành thục sử dụng loại xe này.

Ngoài ra, vấn đề khó khăn với các cơ sở đào tạo là mỗi trung tâm đào tạo sẽ phải đầu tư thêm ít nhất là 10 xe số tự động để cho thí sinh thực hành trong khi các trung tâm hiện nay rất vắng học viên.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương sửa đổi Thông tư 46 theo hướng cấp thêm giấy phép lái xe số tự động để đa dạng hóa loại hình đào tạo, phục vụ những ai có nhu cầu sử dụng riêng loại xe này. Với những người đã có bằng B1 thì vẫn có quyền lái xe số tự động và số sàn mà không cần phải chuyển đổi sang bằng mới. Những người có nhu cầu học bằng lái xe B1 thì vẫn được học và thi lấy bằng theo chương trình hiện tại.

Đoàn Loan

Tin liên quan
Tin khác