Ngân hàng - Bảo hiểm
Chưa hết áp lực giảm kiều hối
Vân Linh - 18/09/2017 15:37
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, song theo nhận định, kiều hối chưa hết áp lực giảm…

Tăng chậm

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, 8 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cách đây 2 tháng là 2,1 tỷ USD.

Theo ông Minh, như thường lệ, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM từ thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với 60%, từ khu vực châu Âu là khoảng 19%. Đồng thời, cuối năm luôn là dịp lượng kiều hối tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Thế nhưng, áp lực kiều hối giảm vẫn khó tránh trong năm nay.

.

Lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục từ năm 2010 và đạt mức kỷ lục 13,2 tỷ USD năm 2015, song đã giảm 33% vào năm 2016. Một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối đổ về Việt Nam sụt giảm là do các ngân hàng cắt giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 0%.

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ chi trả kiều hối cho biết, dự kiến doanh thu chi trả kiều hối của Công ty trong năm 2017 chỉ khoảng 1 tỷ USD, trong khi các năm trước đều trên 1,5 tỷ USD. Khó có thể kỳ vọng đạt mức chi trả kiều hối cao trong năm nay bởi tiền kiều bào chuyển về cho người thân ở Việt Nam không còn tăng mạnh như trước, do lãi suất tiết kiệm USD không còn, tỷ giá được kiểm soát ổn định.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, bất động sản là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy, sự biến động của thị trường đầu tư này đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy kiều hối. Lượng kiều hối chuyển về đầu tư bất động sản cũng không còn nhiều.

Dòng kiều hối là một trong những nguồn bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, góp phần lớn vào dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức, việc các nhà đầu tư thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình là chuyện dễ hiểu.

Áp lực vì Fed

Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen cho biết, cơ quan này sẽ nâng lãi suất cơ bản 3 lần trong năm tới. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD trong 4-5 tháng tới sẽ vẫn theo hướng tăng lên, nhưng mức độ tăng sẽ chậm và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ, gây tác động rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Cuối năm luôn là dịp lượng kiều hối tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Thế nhưng, áp lực kiều hối giảm vẫn khó tránh trong năm nay.

Không chỉ Việt Nam, tại những quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, lượng kiều hối cũng sụt giảm. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, Ấn Độ vốn là quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2015, nhưng lượng kiều hối vào nước này cũng giảm 5% trong năm 2016. Các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng lần lượt ghi nhận mức giảm kiều hối là 3,5%, 5,1% và 1,6%.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, tình hình kiều hối thời gian qua chưa hẳn do lãi suất gửi USD bằng 0%. Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, việc duy trì lãi suất USD 0% để giảm nguy cơ đô la hóa nền kinh tế, tăng nguồn cung USD giúp bình ổn tỷ giá là chủ trương đúng trong thời gian qua. Nhưng việc Fed tăng lãi suất tới đây sẽ nới rộng mức chênh lệch lãi suất USD với lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các ngân hàng Việt Nam.

Theo SSI, điều đó sẽ làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam và là nguyên nhân khiến lượng kiều hối giảm. Nhưng việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài và lãi suất USD chỉ duy trì ở mức trần 0% ít có mối liên hệ trực tiếp.

Thực tế, những năm gần đây, một yếu tố hỗ trợ rất lớn cho doanh số chi trả kiều hối tại Việt Nam đến từ lực lượng lao động xuất khẩu. Chính vì vậy, việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có chất lượng cao sẽ góp phần gia tăng nguồn kiều hối về Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác