Ngân hàng - Bảo hiểm
Chưa phải thời điểm giảm lãi suất, bơm tiền kích cầu
Thùy Liên - 12/02/2020 09:26
Một số công ty chứng khoán nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy vậy, giới chuyên gia cảnh báo, giảm lãi suất, bơm tiền để kích cầu thời điểm này không những khó mang lại hiệu quả, mà còn tiềm ẩn mặt trái khó lường.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam đang khá hợp lý. Ảnh: Đức Thanh

Làn sóng hạ lãi suất 

Ngân hàng Trung ương Philippines vừa quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%. Trước đó, Thái Lan cũng hạ lãi suất xuống còn 1% trong bối cảnh ngành du lịch bị thiệt hại nặng vì dịch cúm virus Corona. Các quốc gia trong ASEAN đã có những phản ứng đầu tiên về chính sách tiền tệ (cụ thể là nới lỏng) sau khi dịch này lan rộng.

Tại Việt Nam, vấn đề nới lỏng tiền tệ cũng đang được đặt ra. Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc đưa ra các gói kích thích, giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nhiều ngành suy giảm vì dịch bệnh. Trong Báo cáo triển vọng Việt Nam mới đây, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, lạm phát trong tháng 1/2020 vẫn tăng (chủ yếu do giá thịt lợn), nhưng sẽ giảm trong quý II. Đây có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ NHNN. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, Việt Nam chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ thời điểm này. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ là nhằm khuyến khích chi tiêu, tạo động lực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ tăng tổng cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết.

“Hiện nay, tổng cầu của thế giới và Việt Nam đều giảm sút. Người dân giảm chi tiêu không phải vì hàng hóa đắt đỏ, mà vì dịch bệnh, nên hạn chế mua sắm, du lịch, các hoạt động không cần thiết chỗ đông người. Vì vậy, mục đích giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ để kích thích chi tiêu khó có hiệu quả, vì nếu dịch bệnh chưa được khống chế, người dân vẫn sẽ hạn chế mua sắm, đi du lịch… Trong khi hiệu quả mang lại mờ nhạt, thì nới lỏng tiền tệ lại có thể gây ra rủi ro lạm phát và các mặt trái khác”, TS. Quốc Bảo khuyến cáo.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lãi suất cho vay không còn là rào cản lớn với doanh nghiệp. Lãi suất tiết kiệm cũng không thể hạ quá thấp, nếu không, sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác. Chưa kể, lạm phát dù có chiều hướng giảm, song trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, diễn biến giá cả rất khó dự đoán. Mặt khác, hệ lụy chính sách kích cầu với lạm phát thường đến trễ, nên nếu vội vàng kích cầu, nền kinh tế các năm sau sẽ bị ảnh hưởng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặt bằng lãi suất như hiện nay là hợp lý. Để có nguồn vốn phục vụ nền kinh tế, lãi suất huy động nên giữ mức tương đối hấp dẫn để khuyến khích người dân tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Trong ba kịch bản mà Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là dịch bệnh tiếp tục diễn biến như thời gian qua nhưng được kiểm soát chặt. Các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài đến khi thời tiết ấm lên. Các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020. GDP năm 2020 giảm 0,83 điểm. TS. Cần Văn Lực và nhóm chuyên gia cho rằng, tại thời điểm này, chưa nên và chưa cần thiết đưa ra các gói kích thích kih tế. Tất nhiên, cũng phải tính đến gói này để dự phòng  kịch bản xấu xảy ra.

Ổn định lãi suất và tỷ giá là mục tiêu tối thượng

Tại buổi làm việc với các tổ chức tín dụng mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu, thời gian tới, các ngân hàng không được tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do dịch bệnh.

Hiện một số ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này phản ánh tinh thần tương thân, tương ái của các ngân hàng, hơn là phản ánh xu hướng thị trường.

Đến thời điểm này, Chính phủ chưa bàn đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dù dịch cúm đang tác động xấu tới nhiều lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, hàng không, xuất nhập khẩu…

TS. Võ Trí Thành nhận định, năm nay, dịch bệnh khiến tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại kéo theo nhu cầu vốn cho nền kinh tế giảm, tỷ giá ổn định, vốn cho bất động sản bị siết…  

Dư địa giảm lãi suất điều hành là có, song thực tế, lãi suất điều hành ở Việt Nam không tác động nhiều đến lãi suất thị trường. Mặt khác, các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chịu rất nhiều áp lực về huy động vốn để đáp ứng chuẩn Basel II. Vì vậy, khả năng mặt bằng lãi suất 2 năm tới giảm sâu khó xảy ra.

Trong 3 kịch bản về lãi suất (giảm, ổn định, tăng), giới chuyên gia nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ. Tuy nhiên, lãi suất, nếu giảm, cũng là phản ánh sức cầu của thị trường, chứ không hàm ý NHNN nới lỏng tiền tệ, chủ trương bơm mạnh tiền ra nền kinh tế.

Hiện nay, tổng quy mô tín dụng của cả nền kinh tế đã lên tới hơn 8 triệu tỷ đồng, bằng 138% GDP và dự báo còn tiếp tục tăng do tăng trưởng GDP những năm tới khó vượt trên mức tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, dù vài năm gần đây, tín dụng tăng trưởng chậm lại, nhưng NHNN vẫn rất thận trọng bơm tiền và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng.

Tin liên quan
Tin khác