Chưa rõ nội hàm “quản lý vốn nhà nước” cũng như quyền của doanh nghiệp
Phần phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều nay của đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) gần như một khung sườn mới cho Dự thảo. Nhiều điều khoản bị đề nghị bỏ, như Điều 5 (về nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và Điều 6 (Hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp) để cấu trúc lại, nhập chương VI vào chương II...
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) thảo luận tại phiên họp chiều 29/11 |
Ông cũng tiếp tục bày tỏ lo ngại khi nhiều khái niệm không rõ, dễ gây nhầm lẫn vẫn còn tìm thấy trong Dự thảo trình Quốc hội.
“Thế nào là quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thế nào là vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Vốn này là gì? nằm ở đâu?”, ông Hiếu đặt câu hỏi. Quan điểm của ông là nếu không rõ các khái niệm này thì không thể có quy định về phương thức quản lý tương ứng, phù hợp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tác bạch với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đại biểu, quản lý vốn nhà nước gồm 2 chức năng chính, đó là thực hiện quyền chủ sở hữu đối với cổ phần, phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp (cổ đông, thành viên, chủ sở hữu công ty) và theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Điều 8 của Dự thảo lại đang quy định thiên về công cụ quản lý hơn là nội dung.
Đại biểu Phan Đức Hiếu
"Xây dựng, khai thác, quản lý Hệ thống thông tin về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là công cụ chứ không phải là nội dung của quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp", ông Hiếu nêu.
Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị bổ sung quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu – theo nguyên tắc của một nhà đầu tư chuyên trách, chuyên nghiệp, đủ năng lực; phân định rõ với chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, góp ý vào nội dung Điều 12 về quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Phan Đức Hiểu phát hiện có nhiều quy định “đương nhiên” mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ như tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp hay chấp hành sự kiểm tra, thanh tra…
“Đề nghị viết lại Điều này theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đã xác định trong Điều lệ và những gì pháp luật không cấm, không hạn chế”, đại biểu Hiếu đề xuất.
Với quan điểm này, ông Hiếu đề nghị Chương IV về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong Dự thảo cần được tuân thủ nguyên tắc chọn - bỏ, thay vì nguyên tắc chọn – cho.
“Chương này chỉ nên quy định về nội dung cần phải quy định như doanh nghiệp nhà nước dùng tiền, tài sản của mình (đã được nhà nước đầu tư) nhưng đi góp vốn, mua cổ phần vào doanh nghiệp khác. Có thể Điều 26 có ý này, nhưng viết không đúng hoặc chưa rõ”, ông Hiếu góp ý.
Ngoài ra, các nội dung về giám sát, thanh tra, các nội dung đánh giá doanh nghiệp nhà nước 100% vốn và doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước... cũng cần được làm rõ.
Làm rõ vai trò cổ đông Nhà nước
Cũng là đại biểu đã có nhiều ý kiến khi thảo luận tại tổ vào tuần trước, ông Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao nguyên tắc quy định tại Điều 5 là vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Với nguyên tắc này, thì việc quản lý, sử dụng tiền vốn của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, là quyền của doanh nghiệp, quản lý theo điều lệ của doanh nghiệp, không thể áp đặt cơ chế quản lý vốn ngân sách nhà nước.
Do vậy, đại biểu Cường đề nghị phải bỏ các quy định áp dụng Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp tại các điều 25, đến điều 32.
Đại biểu Hoàng Văn Cường
“Phải trao quyền này cho doanh nghiệp tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Cần phải bổ sung quy định “Nhà nước sau khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp thì trở thành cổ đông của doanh nghiệp, sở hữu cổ phần theo phần vốn đã đầu tư”, ông Cường đề xuất.
Với tư cách là cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người, hoặc là thuê người để đại diện, để thực hiện quyền cổ đông trong doanh nghiệp.
Khi đó, người đại diện chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp theo mục tiêu đầu tư của nhà nước. Cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua các chỉ tiêu kế hoạch mà doanh nghiệp phải thực hiện, như: bảo toàn và phát triển vốn đầu tư hoặc trích nộp lợi nhuận tương ứng với phần vốn Nhà nước đầu tư. Đối với doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối có thể giao thêm các nhiệm vụ chính trị thục hiện vai trò điều tiết của nhà nước.
Mức độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch được Cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cũng chính là các chỉ tiêu để đánh giá, phân loại doanh nghiệp và đánh giá người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, người đại diện chủ sở hữu phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp nhất với các vị trí quản trị của doanh nghiệp.
Để đảm bảo tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát, độc lập để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu.
Với tư duy này, đại biểu Cường cho rằng, quy định về công tác nhân sự ở Điều 13 chỉ quy định các yêu cầu, nguyên tắc cử người đại diện và bộ phận giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; còn việc bổ nhiệm các vị trí quản lý khác trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp phải do người được cử đại diện chủ sở hữu toàn quyền lựa chọn và quyết định theo các tiêu chuẩn cán bộ quản lý doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Liên quan đến phân phối lợi nhuận, ông Hoàng Văn Cường nhận định, cơ chế đưa ra trong dự thảo luật sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao, vì tất cả đều được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi.
Thảo luận tại Tổ về nội dung này tuần trước, ông cũng đã lấy ví dụ, nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng thu nhập của người lao động hàng tháng vẫn cao. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp.
“Việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích luỹ để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng. Phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh rõ quan điểm.