Tại cuộc họp bất thường 25/10 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF), Tổng giám đốc Mai Hữu Tín đã chia sẻ nhiều cảm xúc khi đang cố vực dậy Gỗ Trường Thành từng ngày. Bởi khi tiếp quản TTF, công ty đang nằm ở một cái hố lớn.
Về kế hoạch năm 2018, công ty đưa ra con số doanh thu mục tiêu hơn 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khả năng công ty chỉ thực hiện 1.000 tỷ đồng và sẽ chấp nhận thua lỗ để trích lập dự phòng và xử lý các vấn đề xấu. Con số doanh thu năm 2019 sẽ di động khoảng 1.700-1.900 tỷ đồng và có lãi.
Theo ông Tín, năm 2018 sẽ khó đạt kế hoạch đề ra, đây là năm bàn đạp để công ty xử lý các vấn đề xấu hiện tại. Nếu giải quyết xong các vấn đề này, công ty chắc chắn có lãi từ năm 2019. Đặc biệt, ông Tín muốn TTF thành công ty nội thất đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị tỷ USD trong 10 năm tới.
Bộ phận thanh lý đã hoạt động tích cực, xử lý nợ ở các ngân hàng như KienLongBank và VietABank. Khúc mắc còn lại chỉ là khoản nợ 120 tỷ từ DongA Bank. Dự kiến cuối 2018, chậm nhất đầu 2019 công ty sẽ bán một liên doanh trồng rừng để trả dứt điểm nợ DongA Bank. Khi trả hết nợ và ra khỏi danh sách nợ xấu thì công ty có thể vay thương mại trở lại bình thường trong năm 2018.
Hoạt động thanh lý đã giảm từ 14 đơn vị xuống còn 8-9 đơn vị. Công ty sẽ tiếp tục cắt giảm với mục tiêu cuối cùng chỉ là giữ nhà máy chính ở Bình Dương, đó là mảng gỗ.
Năm 2017 công ty đạt doanh thu tăng 112% so với năm trước và vượt 7,6% kế hoạch năm với 1.363 tỷ đồng. Song lãi ròng chỉ đạt 2,3 tỷ, thực hiện 6,6% chỉ tiêu năm. |
Trong 10 tháng qua, bộ phận kinh doanh của Gỗ Trường Thành đã tìm kiếm thêm các khách hàng khác ngoài Vingroup để tạo thế đứng tốt hơn. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu đã tăng trưởng nhiều và do đó tỷ trọng doanh thu từ Vingroup đã giảm từ 80% xuống 50% trong tổng doanh thu.
Về định hướng, mặc dù hoạt động xuất khẩu đang rất tốt, TTF vẫn hướng đến nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước. Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới khi chiếm 6% thị trường nội thất toàn cầu. Ông Tín dự báo trong 3 năm tới Việt Nam sẽ đứng thứ hai sau Trung Quốc khi các hoạt động sản xuất đang chuyển sang.
Ở nhóm ngành sứ vệ sinh, TTF vẫn phát triển khi nhập sáp nhập với Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ, do Công ty cổ phần Đồng Tâm của “Bầu” Võ Quốc Thắng và người có liên quan nắm tỷ lệ chi phối. Sứ Thiên Thanh chỉ là bước đầu cho sự hợp tác giữa TTF với Đồng Tâm Group trong nhiều lĩnh vực khác.
Tính đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu 56 tỷ đồng và tổng tài sản gần 136 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận luôn diễn biến trái chiều trong khoảng ba năm trở lại đây. Trong khi doanh thu tăng trưởng đều đặn, năm 2017 ước đạt 177 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế liên tục giảm mạnh.
Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ và công ty con. Ông Mai Hữu Tín hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 34% vốn TTF và sẽ còn khoảng 20% sau sáp nhập. Đặc biệt, hai bên sẽ liên doanh với một đơn vị nước ngoài lớn, sản xuất các sản phẩm sứ cao cấp hơn. Tuy nhiên, ông Tín tiết lộ thông tin về đơn vị nước ngoài này.