Cầu Vàm Cống |
Trả lời câu hỏi về sự cố cầu Vàm Cống tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã ra thông báo ngay khi xảy ra sự cố. Đây là dự án vay vốn của Chính phủ Hàn Quốc, được triển khai thực hiện theo đúng tiến trình, nếu không có sự cố thì có thể đưa vào thông cầu này cùng với cầu Cao Lãnh và toàn tuyến Đồng bằng sông Cửu Long ở những tháng đầu năm 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, cầu Vàm Cống có kết cấu phức tạp, nhịp cầu rất lớn, "sự cố này theo đánh giá chung của Bộ Giao thông vận tải cùng các chuyên gia là rất hiếm xảy ra".
Bộ Giao thông vận tải đã huy động với các chuyên gia trong nước và làm việc với các nhà tài trợ, các chuyên gia của nước ngoài, của Hàn Quốc và đã có những đánh giá độc lập từ cả hai phía. Tuy nhiên, hiện tại chưa xác định được nguyên nhân cuối cùng.
"Khi có nguyên nhân cuối cùng chúng tôi sẽ có thông báo đầy đủ tới công luận và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả", Thứ trưởng Đông cho hay.
Ông Đông cũng cho biết thêm, hiện tại chưa xác định được thời gian thông cầu.
Tháng 11/2017, VnExpress cho biết, một dầm thép nặng 90 tấn tại trụ T29 đã bị nứt rộng hơn 4cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2m.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Toàn dự án cầu và đường dẫn dài 5,75 km, trong đó phần cầu 2,97 km, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được khởi công 4 năm trước. Công trình này cũng nhằm bổ sung tuyến kết nối từ quốc lộ 91 (phía TP Cần Thơ) tới tuyến đường tránh TP Long Xuyên (An Giang).