Chung cư Cao ốc Xanh (phường Phước Long A, TP. Thủ Đức, TP.HCM). |
Dự án “nhiều không”
Chuyển về sinh sống tại Cao ốc Xanh (tên thương mại là Green Building) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC 8) làm chủ đầu tư từ năm 2017, bà Nguyễn Thị Tuyết (70 tuổi, chủ một căn hộ ở tầng 19)
đã quá quen với những trục trặc về trang thiết bị tại chung cư này.
Bà Tuyết kể, khi bà chuyển đến, thì Dự án Cao ốc Xanh vẫn còn hoang sơ, chỉ có mỗi block C được xây dựng xong và mới có lác đác vài hộ gia đình vào ở, còn block A và B vẫn là khối
nhà xây thô. Dự án chưa hoàn thiện, thậm chí chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, nên ở đây rất “nhiều không”: không ban quản trị, không ban quản lý, không phí bảo trì, không có bảo vệ và các căn nhà cũng không có “sổ hồng”.
Nhưng, điều khiến bà Tuyết sợ nhất khi sống ở Cao ốc Xanh chính là việc thang máy liên tục trục trặc, rung lắc mạnh trong quá trình vận hành, có lúc còn “rơi tự do” vài tầng, rồi lâu lâu lại ngừng hoạt động.
UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
UBND Thành phố yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 100% chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao, nhà trẻ, trường mầm non, bệnh viện, phòng khám, trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện...
Các địa phương hoàn thành kiểm tra và báo cáo lãnh đạo Thành phố trước ngày 10/7/2024.
“Người lớn tuổi như chúng tôi rất sợ phải đứng trong chiếc thang máy bất ổn như thế, nhưng vẫn phải sử dụng hàng ngày, vì chẳng còn cách nào khác. Có những hôm, tôi phải leo bộ 19 tầng mới lên được nhà, vì thang máy hỏng”, bà Tuyết chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Chưa hết, do không có ai quản lý, nên tình hình an ninh trật tự tại chung cư Cao ốc Xanh cũng bất ổn, các gia đình thường xuyên bị mất đồ.
Sau đó một thời gian, cư dân đồng lòng bầu ra Ban quản trị, thuê một đơn vị để quản lý. Thang máy được bảo trì định kỳ và vận hành ổn định hơn. Ban quản lý cũng lập chốt bảo vệ ở cổng để kiểm soát người lạ ra vào, nên không còn tình trạng cư dân bị mất đồ như trước...
Đi không được, ở không xong
Công tác quản lý, vận hành đã được giải quyết, nhưng cư dân sống tại chung cư Cao ốc Xanh vẫn chưa thể “thở phào”, bởi Dự án chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Anh Thanh (chủ căn hộ tại block A) cho biết, block mà anh đang ở chỉ được chủ đầu tư xây dựng phần cơ bản (1 tầng hầm, 19 tầng nổi, xây tường) và bỏ dở suốt nhiều năm qua. Cư dân nhiều lần phản ánh và hối thúc chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng để bàn giao nhà, nhưng không được.
Cuối cùng, những khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ tại đây phải họp nhau lại, thống nhất tự góp kinh phí để hoàn thiện. Các hộ dân tự thuê đơn vị để xây dựng, sơn, lắp đặt thang máy và hoàn thiện các phòng để ở. Cũng chính vì tự hoàn thiện, nên các thiết bị như đường nước chữa cháy, chuông cảnh báo, đầu báo khói… đều không có. Thậm chí, thang thoát hiểm ở block A không có điện, cửa thoát hiểm bị chặn, dùng để chứa rác.
Người dân quyết định chuyển đi nơi khác khi Dự án chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy. |
“Mãi sau này, khi có Ban quản trị và Ban quản lý, thì mấy vấn đề trên mới cơ bản được xử lý, nhưng vấn đề phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được giải quyết”, anh Thanh nói.
Liên quan vấn đề này, Ban quản trị chung cư Cao ốc Xanh cũng đã làm văn bản gửi chủ đầu tư và chính quyền địa phương, cảnh báo hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư lắp đặt chưa hoàn thiện, đã xuống cấp. Tình trạng chuông báo cháy giả thường xuyên xảy ra, không những gây bất an cho cư dân, mà còn rất nguy hiểm nếu cháy thật xảy ra. Các thiết bị, dụng cụ chữa cháy đã lắp đặt bị gỉ, hư hỏng, nên không thể sử dụng ở mức bình thường.
Sau nhiều cuộc kiểm tra và đưa ra cảnh báo, cuối tháng 4/2024, Công an TP. Thủ Đức ra quyết định đình chỉ hoạt động của Dự án Cao ốc Xanh để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp hành chính nhằm đưa người dân ra khỏi chung cư…
Khi nhận được thông tin này, một số gia đình và sinh viên thuê nhà lập tức hủy hợp đồng để chuyển đi nơi khác, còn những gia đình đã bỏ tiền ra mua thì rơi vào cảnh “đi không được, ở không xong”. Vì không có chỗ ở, nên họ mới phải góp tiền để tự hoàn thiện Dự án để chuyển đến sinh sống. Biết rằng nơi mình ở không an toàn về phòng cháy, chữa cháy, nhưng họ cũng không có chỗ để dời đi.
Dẫu vậy, việc quyết định ở lại, chấp nhận sống trong bất an cũng không dễ dàng. Do Dự án đang bị đình chỉ hoạt động, không được xác nhận cư trú, nên các gia đình có con nhỏ đến tuổi đi học phải xin cho con học trái tuyến. Có những cháu phải đi học cách nhà hơn 10 km.
“Từ ngày có thông báo đình chỉ hoạt động chung cư, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, lúc nào chúng tôi cũng sống trong lo âu. Con cái không được đi học đúng tuyến, giá nước sinh hoạt cũng cao hơn…, cuộc sống của nhiều gia đình vốn đã khó khăn, nay càng khó hơn”, bà Hoa (chủ một căn hộ tại tầng 10, block C) than thở.
Nhiều hạng mục tại chung cư Cao ốc Xanh vẫn chưa được hoàn thiện, dù người dân đã dọn vào ở. |
“Chữa cháy” tạm thời
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Đại Dương, Trưởng ban quản lý chung cư Cao ốc Xanh chia sẻ, cư dân khó di dời vì không có chỗ tạm cư, nhưng ở lại thì không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư chưa hoàn thiện, một số thiết bị đến nay đã hỏng. Cư dân muốn tự sửa chữa, thì lại gặp trở ngại do chủ đầu tư chưa bàn giao. “Ban quản lý đã gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư ủy quyền cho phép được sửa chữa, sử dụng hệ thống phòng cháy, chữa cháy khi có yêu cầu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp”, ông Dương nói.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư đã đến trụ sở CIC 8 tại đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để liên hệ làm việc. Nhân viên tiếp nhận đề nghị của chúng tôi thông báo rằng, lãnh đạo Công ty phụ trách vấn đề này đang đi công tác, đề nghị phóng viên để lại nội dung. “Chúng tôi chỉ tiếp nhận thông tin, còn việc lãnh đạo có phản hồi hay không thì tôi không biết”, nhân viên CIC 8 nói.
Đến nay, đã hơn 1 tuần trôi qua, nhưng phía chủ đầu tư chung cư Cao ốc Xanh vẫn im lặng.
Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi thông tin này với chính quyền địa phương, ông Phạm Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phước Long A (TP. Thủ Đức) thừa nhận, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư chưa được nghiệm thu, cư dân sinh sống trong chung cư sẽ không đảm bảo an toàn, nhưng đưa họ ra khỏi chung cư thì không thể thực hiện được.
Giải pháp “chữa cháy” được chính quyền địa phương đưa ra là tổ chức tập huấn về kiến thức và diễn tập phòng cháy, chữa cháy cho cư dân để phòng ngừa, chủ động dập lửa trước khi lực lượng chức năng đến xử lý.
“Công an phường cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền để tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy cho cư dân. Song, vấn đề chính vẫn là ý thức của người dân và sự chủ động tại chỗ. Ban quản trị cần chủ động lập đội phòng cháy, chữa cháy tại chỗ và trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy”, ông Hiếu nói.