Phiên họp thường kỳ của UBND Thành phố Hà Nội ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh tiếp tục yêu cầu Sở Xây dựng đẩy nhanh kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng).
| ||
Hà Nội còn 99% chung cư cũ cần cải tạo |
Trong số các biện pháp được đưa ra, Hà Nội nhất trí cho phép người dân trong phạm vi dự án góp vốn tham gia thực hiện dự án bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ; áp dụng hình thức BT trong thực hiện cơ chế đầu tư đi đôi với việc lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định.
Thành phố cho phép nhà đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ xây dựng quỹ nhà trung chuyển để người dân tạm cư trong quá trình xây dựng dự án.
Người dân trong phạm vi dự án cũng có thể mua nhà ở xã hội từ quỹ nhà của thành phố với mức giá ưu đãi nếu không có nhu cầu tái định cư tại dự án.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ ( 1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Trong đó, cơ quan quản lý nhà đất của thành phố quản lý, ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê để ở với diện tích nhà ở khoảng 1,8 triệu m2. Ngoài ra, còn các khu tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố, nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố.
Các khu chung cư cũ trên địa bàn đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Thành phố mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng như B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I 1-2-3 Thành Công, C7, D6, D2 Giảng Võ. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội mới hoàn thành 1% kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Quang Hưng