Đó là nhận xét của ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững sau 2 ngày tham gia chấm vòng chung khảo Cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất năm 2017 vào cuối tuần qua.
Cảm giác “lạ” đầu tiên đối với Hội đồng bình chọn là năm nay, không còn thấy các chồng báo cáo đặt trên bàn. Thay vào đó, Hội đồng bình chọn đọc báo cáo trên file mềm. Bước cải cách này nhằm tiết kiệm chi phí in ấn, gửi báo cáo cho doanh nghiệp cũng như giảm thiểu thời gian tìm kiếm báo cáo cho Hội đồng bình chọn.
Không khí chấm giải vòng chung khảo năm nay rất rôm rả, bởi đa phần các thành viên Hội đồng bình chọn đã sát cánh cùng Cuộc bình chọn suốt 10 năm nay.
Do vậy, đây cũng là dịp để các thành viên cùng chiêm nghiệm lại thành quả của chặng đường 10 năm và tiếp tục đặt ra mục tiêu cải thiện chất lượng Cuộc bình chọn trong các năm tới.
Để lọt vào vòng chung khảo năm nay, các báo cáo cần đạt số điểm tối thiểu từ 58,8 điểm trở lên, nhỉnh hơn 58,4 điểm của năm 2016.
Năm nay, với sự soát xét của các công ty kiểm toán Big4 (Deloitte, PwC, E&Y, KPMG), kết quả vòng sơ khảo chặt chẽ hơn, chuẩn mực hơn. Đặc điểm chung của vòng chung khảo năm nay, báo cáo của các doanh nghiệp ngành dược vẫn duy trì phong độ; xuất hiện nhiều báo cáo có tiến bộ tại khối ngân hàng và nhiều báo cáo của lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Vào vòng chung khảo, điểm chấm các báo cáo không thiên về chiều rộng, mà tập trung chấm về chiều sâu, các nội dung trong báo cáo được Hội đồng bình chọn xem xét kỹ từng hạng mục.
Nhiều gương mặt có sự tiến bộ vượt trội, nhưng cũng có nhiều báo cáo tụt hạng so với chính mình.
Ban giám khảo chấm giải Báo cáo thường niên năm 2017 |
Theo Hội đồng bình chọn, bản thân các gương mặt mới tiến lên là do bắt đầu chú ý và đầu tư thực sự cho việc lập báo cáo, bằng cách áp dụng các thông lệ tốt. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có báo cáo từng đạt giải thưởng trong các mùa giải trước lại không có sự đầu tư, cải thiện nội dung.
Đối với hạng mục báo cáo phát triển bền vững, Hội đồng bình chọn nhận định, với các báo cáo nằm trong Top 10 năm nay có chất lượng tốt hơn hẳn so với năm ngoái.
Điểm tích cực nhất là khoảng cách điểm giữa các báo cáo không quá cách biệt.
Ngoài ra, với tác động bởi Thông tư 155 yêu cầu bắt buộc báo cáo về nội dung môi trường, xã hội đã khiến số lượng có nội dung này tăng lên đáng kể.
Trong Top 30 báo cáo đạt điểm cao điểm nhất, đa phần thể hiện theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng có nhiều báo cáo chưa có thông tin như yêu cầu.
Đánh giá chung, Hội đồng bình chọn báo cáo phát triển bền vững cho rằng, chất lượng báo cáo năm 2017 nhìn chung tốt hơn năm 2016. Mặc dù số lượng báo cáo riêng chỉ có 6 báo cáo (ít hơn năm trước 2 báo cáo), nhưng chất lượng của các báo cáo tích hợp được nâng cao hơn. Rất nhiều báo cáo tích hợp gần như hội tụ đủ các yếu tố để tách báo cáo riêng. Số lượng công ty tham khảo các hướng dẫn của IFC và GRI G4 nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững, Cuộc bình chọn báo cáo phát triển bền vững đã đi được chặng đường 5 năm, nhưng do thang điểm chấm của nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững ngay từ đầu đã tập trung vào chất lượng, các tiêu chí chấm chưa cần thay đổi nhiều (trên thị trường, xu hướng chưa có thay đổi - PV), nhưng về mặt trọng số sẽ có thay đổi theo hướng đưa trọng số cao hơn cho tính đầy đủ của các thông số mà doanh nghiệp báo cáo.
Ngoài ra, nếu cần thay đổi cho mùa giải các năm sau, cá nhân ông Thịnh cho rằng, có thể tìm cách để kết hợp sao cho các doanh nghiệp được vinh danh sẽ được tự động liên kết với các giải thưởng khác trên khu vực và thế giới.