Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán 14/7: Thanh khoản cải thiện, cổ phiếu ngân hàng đẩy VN-Index rơi sâu
Thanh Thủy - 14/07/2021 19:25
Trong khi SHB tăng giá và là yếu tố kéo HNX-Index giữ sắc xanh, đa phần các cổ phiếu nhà băng khác đều điều chỉnh, qua đó đẩy VN-Index có thêm một phiên rơi sâu.
Cổ phiếu TCB giảm hơn 5% và là yếu tố đẩy VN-Index giảm nhiều nhất phiên 14/7

Dòng cổ phiếu ngân hàng rơi sâu, VN-Index có lúc giảm còn 1.265 điểm

Sau phiên hồi phục nhẹ hôm qua, VN-Index dù có thời điểm trở lại vượt móc 1.300 điểm nhưng lại quay đầu giảm mạnh sau đó. Đầu phiên chiều, chỉ số sàn HoSE có lúc rơi xuống mốc 1.265 điểm, lùi sâu hơn cả mức đáy trong phiên 12/7. Đây cũng là mức giao dịch thấp nhất của chỉ số này kể từ ngày 21/5. Dòng tiền chảy vào mạnh hơn khi VN-Index lùi sâu. Nhờ đó, VN-Index chỉ còn giảm 17,63 điểm (-1,36%), đóng cửa mức 1.279,91 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 0,93% về 84,56 điểm.

Trái với diễn biến hai sàn trên, chỉ số sàn HNX dù chịu áp lực bán mạnh đầu phiên chiều nhưng vẫn kịp hồi phục, tăng nhẹ 0,15 điểm (+0,05%) ở thời điểm kết phiên. Số lượng mã cổ phiếu tăng giá trên sàn HNX cũng nhỉnh hơn. Trong khi đó, có tới 234 cổ phiếu trên HoSE đóng cửa trong sắc đỏ và 138 cổ phiếu tăng giá.

Sự hồi phục của HNX-Index có công lớn của SHB. Cổ phiếu của ngân hàng đang giữ ngôi vương vốn hóa thị trường trên sàn HNX đóng cửa ở mức giá cao nhất trong phiên, tăng 2,47% so với hôm qua. Ngược lại, cổ phiếu của các nhà băng khác là nguyên nhân chính “dìm” chỉ số sàn HoSE. 4 cổ phiếu kéo VN-Index giảm nhiều nhiều nhất hôm nay lần lượt là TCB, VPB, VCB, VIB. Chỉ riêng 4 cổ phiếu này đã góp tới 7,1 điểm giảm trong tổng cộng mức giảm 17,63 điểm của chỉ số. Cổ phiếu VIB thậm chí đã giảm kịch biên độ, trong khi TCB cũng bốc hơi 5,38% giá trị. Dù vậy, vốn hóa thị trường của Techcombank vẫn giữ vững vị trí thứ 5.

Cuối tuần trước, NHNN đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất cho vay, hướng đến việc thực hiện ngay trong tháng 7/2021. Động thái này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhưng điều này cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà băng. Từ đầu tuần đến nay, đây cũng là một trong các nhóm cổ phiếu điều chỉnh mạnh nhất của thị trường. Nhiều dòng cổ phiếu ở các ngành khác cũng giao dịch không mấy tích cực.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh hơn. VN30-Index giảm tới 30,57 điểm với sắc xanh hiếm hoi chỉ xuất hiện ở 6/30 cổ phiếu. Trong khi đó, một số cổ phiếu đầu cơ có khối lượng giao dịch lớn như FLC, ROS tiếp tục có thêm một phiên giao dịch tích cực. Kết phiên, cổ phiếu FLC tăng 6,3% lên 11.800 đồng/cổ phiếu; ROS tăng 3,7% lên 5.350 đồng/cổ phiếu.

Thanh khoản cải thiện, khối ngoại quay lại mua ròng

Đà giảm của phiên hôm nay, nhất là thời điểm đầu phiên chiều, đã kéo dòng tiền tham gia vào thị trường sôi động hơn. Sau phiên 13/7 giao dịch ảm đạm với thanh khoản giảm một nửa, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 17.051 tỷ đồng, tăng 19,35% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 19.324 tỷ đồng trên sàn HoSE và 22.243 tỷ đồng trên ba sàn.

Khối ngoại cũng giao dịch tích cực hơn với 2.422 tỷ đồng giải ngân trên HoSE, trong khi giá trị bán cổ phiếu cũng đạt trên 2.096 tỷ đồng, tương đương mua ròng là 326 tỷ đồng. Cùng với giao dịch trên HNX và UPCoM, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 333 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng thứ 2 của khối ngoại trong nửa đầu tuần.

Cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất là HPG (158 tỷ đồng), VHM (146 tỷ đồng), SSI (gần 99 tỷ đồng). Dù được nhà đầu tư ngoại mạnh tay mua ròng, giá cổ phiếu HPG vẫn giảm 1,1%. HPG cũng là một trong ba cổ phiếu có giá trị giao dịch vượt nghìn tỷ đồng hôm nay với thanh khoản đạt 1.244 tỷ đồng. Giao dịch cổ phiếu TCB và VPB lần lượt là 1.743 tỷ đồng và 1.390 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác