CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI - sàn HoSE) vừa công bố các tờ trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 30/3. Theo đó, lần đầu tiên công ty chứng khoán này trình kế hoạch đổi tên sau 15 năm hoạt động.
Lý do bởi công ty đang được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, từ tên nguyên bản Chứng khoán Bản Việt, tên viết tắt VCSC, tên tiếng anh Viet capital Securities hoặc theo mã chứng khoán VCI…
Theo giải trình của công ty, điều này đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu. Tên gọi Chứng khoán Bản Việt còn có thể làm khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự.
Tên mới của công ty dự kiến là Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, tên viết tắt cũng sẽ là Vietcap. Ngoài lý do cần có sự thống nhất, Vietcap được lãnh đạo công ty đánh giá là “tên gọi ngắn gọn, độc đáo và đã được các nhà đầu tư trên thị trường biết đến”.
Tương tự nhiều công ty trong ngành, kết quả kinh doanh của VCSC “đi lùi” và không đạt kế hoạch trong năm 2022. Tổng doanh thu hoạt động cả năm đạt hơn 3.156 tỷ đồng, giảm 14,9% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.060 tỷ đồng, giảm 42,7% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 869 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành được 55,8% mục tiêu cả năm.
Theo phương án phân phối lợi nhuận, VCSC dự kiến trình Đại hội cổ đông thông qua mức chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 12%. Trước đó công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 tỷ lệ 7%, số tiền chi trả gần 305 tỷ đồng. Dự kiến cổ tức đợt 2/2022 tỷ lệ 5%, tương ứng chi khoảng 217 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 tiếp tục đặt mục tiêu “đi lùi” đối với chỉ tiêu lợi nhuận. Doanh thu dự kiến đạt 3.246 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6% so với lợi nhuận thực hiện năm 2022. Kế hoạch trên được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023.
Năm nay, VCSC đặt mục tiêu tiếp tục đà phát triển, củng cố vị thế số 1 trong nghiệp vụ ngân hàng đầu tư trong bối cảnh đó giá trị của các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Tại năm 2022, doanh thu mảng nghiệp vụ này đã chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, VCSC vẫn tham gia tư vấn độc quyền cho khá nhiều thương vụ như tư vấn cho các cổ đông sáng lập của chuỗi trà sữa Phúc Long bán phần vốn chi phối cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (“MSN”); tư vấn cho Mekong Capital bán phần vốn tại Pizza 4P’s; tư vấn cho Indorama Venture để hoàn thành việc mua lại Công ty Cổ phần Công Nghiệp – Dịch vụ - Thương Mại Ngọc Nghĩa; tư vấn cho Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Qúy Phú Nhuận (“PNJ”) chào bán riêng lẻ với tổng giá trị là 1.425 tỷ đồng; và đồng tư vấn cho JERA, doanh nghiệp sản xuất năng lượng lớn nhất Nhật Bản trong việc mua lại 35% cổ phần của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (“GEG”).
Ngoải mảng ngân hàng đầu tư, VCSC đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển môi giới bán lẻ. Lĩnh vực môi giới chứng khoán được lãnh đạo công ty dự báo vẫn sẽ khó khăn với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán quachiến lược cho vay ký quỹ cao, áp dụng chính sách miễn/giảm phí giao dịch cùng với việc đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa hồng cao để đội ngũ này chào mời nhà đầu tư mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.
“Chúng tôi sẽ tập trung phát triển lĩnh vực môi giới bán lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân để nắm bắt cơ hội từ sự bùng nổ này. Đây là một trong những chiến lược trọng tâm của năm 2023”, ban lãnh đạo của công ty cho hay.
Công ty cũng đã đầu tư mạnh mẽ về nhân sự, công nghệ và các hệ thống giao dịch hiện đại, cải tổ toàn diện hệ thống công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm phục vụ khách hàng. Tiêu biểu là các dự án phần mềm lõi (core) giao dịch chứng khoán niêm yết, phần mềm lõi giao dịch chứng khoán phái sinh; nâng cấp kênh giao dịch chứng khoán qua web và app mobile; xây dựng sản phẩm mở tài khoản trực tuyến eKYC, giúp khách hàng nhanh chóng sở hữu tài khoản giao dịch chứng khoán.