Trong số các kênh đầu tư chính thống hiện nay, chứng khoán và bất động sản là hai kênh hút dòng tiền mạnh nhất. |
Triển vọng lợi nhuận nhiều ngành tăng cao, tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), Covid-19 và mặt bằng lãi suất thấp đang khiến một lượng lớn vốn trong dân chuyển vào chứng khoán, bất động sản, đẩy các kênh đầu tư này tăng trưởng mạnh.
Phản ánh từ các ngân hàng thương mại cho thấy, dù tín dụng đã khởi sắc, huy động vốn tăng chậm, song các ngân hàng vẫn đang trong tình trạng dư thừa vốn, ế vốn. Điều này có nghĩa là mặt bằng lãi suất trong thời gian tới chưa thể sớm tăng trở lại, khiến thị trường chứng khoán, bất động sản hưởng lợi.
Trong số các kênh đầu tư chính thống hiện nay, chứng khoán và bất động sản là hai kênh hút dòng tiền mạnh nhất. Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán MayBank KimEng, chứng khoán là kênh đầu tư có nhiều lợi thế, vừa sinh lời tốt lại vừa linh hoạt. Nhà đầu tư không cần lượng vốn lớn như bất động sản, mà lợi nhuận vẫn có thể đạt mức tương đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng huy động vốn trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia phân tích nhận định, VN-Index năm nay có thể chạm mốc 1.300 điểm, bởi nhiều ngành đang có triển vọng tăng trưởng rất sáng sủa.
Báo cáo mới đây của FiinGroup cho rằng, năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận của VN30 được dự báo tăng 20,4%. Theo đó, nhóm công ty phi tài chính - dẫn đầu là bất động sản, thực phẩm đồ uống, dầu khí… - dự đoán sẽ đánh bại ngân hàng về tăng trưởng thu nhập trong năm 2021, với mức tăng gần 25%.
Lĩnh vực ngân hàng cũng được FiinGroup dự báo tăng trưởng tốt với mức độ tăng trưởng lợi nhuận 18,2% trong năm nay theo kịch bản tín dụng tiếp tục mở rộng, một số ngân hàng (VCB, CTG, ACB, MSB và HDB) tiếp tục ghi nhận lợi nhuận lớn từ bancassurance. Thậm chí, FiinGroup dự báo, lợi nhuận của BIDV và VietinBank có thể tăng lần lượt 41,3% và 41,9%.
Tất nhiên, vẫn còn một số thông tin không tốt với thị trường chứng khoán, như khối ngoại vẫn đẩy mạnh bán ròng, nguy cơ lạm phát và lãi suất tăng cao, dịch bệnh có thể quay trở lại… Dù vậy, theo TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, triển vọng tăng trưởng GDP tích cực cùng sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư mới sẽ khiến VN-Index năm nay vượt đỉnh.
Bất động sản chưa hạ sốt, vàng mất giá
Không chỉ thị trường chứng khoán ghi nhận sức hút dòng tiền cao kỷ lục, mà thị trường bất động sản cũng đang trong cơn sốt. Giá đất nền tại nhiều địa phương tăng gấp đôi từ đầu năm đến nay.
Mới đây, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các địa phương kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá đất, công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
Dù có yếu tố sốt ảo, song khả năng giá bất động sản giảm thời gian tới là rất khó, bởi năm 2020, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng, mặc dù giao dịch gần như đóng băng. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2021, bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền, vẫn là kênh đầu tư tốt nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cảnh báo, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các thông tin về quy hoạch, tính pháp lý, tiến độ dự án… để tìm hiểu giá đất từng khu vực nóng là do tiềm năng thật của khu vực hay do tin đồn. Thực tế, tại nhiều khu vực, giá đất đang sốt ảo do “cò đất” thổi giá, giao dịch thực diễn ra rất ít. Một lưu ý nữa với nhà đầu tư là phải cân nhắc thật kỹ năng lực tài chính của mình, nhất là khi sử dụng vốn vay để có quyết định vào, ra hợp lý.
Theo thông tin từ phía các ngân hàng, tín dụng bất động sản hiện nay không quá đáng ngại, phần lớn lượng tiền đầu tư bất động sản trên thị trường hiện nay đến từ vốn cá nhân. Điều này cũng khiến thị trường bất động sản tiềm ẩn ít rủi ro hơn.
Sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng khiến cổ phiếu ngành này trở nên đặc biệt hấp dẫn với nhà đầu tư. Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, do nhu cầu nhà ở đang tăng trở lại, doanh số bán bất động sản của các công ty lớn (chiếm 90,3% thị phần của ngành) sẽ tăng 29,4%, lợi nhuận dự kiến tăng 22,5% (so với mức 6,8% trong năm 2020).
Trái ngược với chứng khoán, bất động sản, vàng lại liên tục sụt giảm. Trong phiên giao dịch cuối tháng 3/2020, giá vàng chỉ còn 1.684 USD/oz trên thị trường châu Á, giảm 11% so với đầu năm. Chỉ số USD-Index tăng mạnh là nguyên nhân khiến vàng rớt giá.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, nhà đầu tư chuyển từ các tài sản an toàn như vàng sang những tài sản có độ rủi ro cao hơn nhằm đạt mức sinh lời nhiều hơn như chứng khoán, bất động sản.
Theo nhận định của giới kinh doanh vàng, giá vàng trong ngắn hạn có thể rơi xuống vùng 1.640 USD/oz. Đầu tư vàng trong nước càng không có lợi khi nhà vàng liên tục găm giữ giá cao, chênh lệch với giá thế giới 7-8 triệu đồng/lượng.
Một kênh đầu tư nổi lên trong 2 năm qua là tiền ảo. Sự phục hồi mạnh mẽ của Bitcoin (BTC) đã khiến thị trường tiền ảo tăng mạnh, giá trị vốn hóa vượt 1.800 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, BTC và ETH đã tăng giá 100-150% trong khi BNB cũng tăng giá 8 lần. Việc Visa và nhiều tổ chức chấp thuận thanh toán bằng tiền ảo khiến các đồng tiền ảo tăng mạnh.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, xét về yếu tố lợi nhuận cao, thì tiền ảo là kênh mang lại lợi nhuận tốt nhất, song đây cũng là kênh đầu tư có tốc độ biến động giá khủng khiếp nhất, lại không được luật pháp cho phép, nên cũng là kênh đầu tư rủi ro lớn nhất. Ngược lại, kênh tiết kiệm, dù kém hấp dẫn, song với đặc tính an toàn tuyệt đối, vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.