Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán chinh phục đỉnh cao
Thanh Thủy - 04/01/2022 08:36
Chứng khoán Việt Nam đã qua một năm trưởng thành với nhiều kỷ lục, làm choáng ngợp cả những người theo dõi lâu năm.
Tổng số tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020.

Chơi tốt nhất với những “quân bài” hiện có

Những ngày đầu tháng 6/2021, cái nóng của gió phơn Tây Nam phả khắp nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở nơi khác, trên bảng điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và các hội nhóm mạng xã hội, thị trường chứng khoán trở thành chủ đề có sức nóng không kém vì dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường, đồng thời, khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng trong phiên vượt ngưỡng chịu đựng của hệ thống giao dịch. Thanh khoản thị trường “lớn” quá nhanh. Đỉnh điểm vào chiều 1/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) buộc phải đóng cửa phiên chiều, khi thanh khoản phiên sáng vượt mức 21.700 tỷ đồng - điều chưa từng xảy ra.

Hạ tầng của thị trường sau hơn 20 năm hoạt động không đáp ứng được dòng tiền đổ vào mạnh mẽ. Cơ hội tới, nhưng sự chuẩn bị chưa đủ đầy, mà chỉ có thể “chơi tốt nhất với những quân bài đang có”, HoSE sử dụng các biện pháp tình thế như tăng lô tối thiểu, nâng cấp hệ thống, dừng giao dịch khi an toàn hệ thống rơi vào tình trạng báo động, một số tổ chức niêm yết chủ động chuyển sàn.

Câu chuyện nghẽn lệnh, cũng như những phiên thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng, đến nay đã lùi về quá khứ, dù đôi lúc vẫn xuất hiện sự tắc nghẽn cục bộ tại một số công ty chứng khoán. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, một nguồn lực khác lại khan hiếm. Đó là vốn. Một vài công ty chứng khoán đang phải buộc ngừng ứng trước tiền bán vì không đủ hạn mức nguồn vốn, hạn chế các khoản vay ký quỹ ngay trong những ngày chốt sổ cuối năm này.

Một mặt, các công ty chứng khoán mở rộng các nguồn vay và ngưng cho vay khi các tỷ lệ an toàn tài chính tới hạn. Mặt khác, đã có phân nửa công ty chứng khoán hoàn tất và đang lên kế hoạch tăng vốn để bổ sung năng lực tài chính. Có bên dùng chính nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng đa phần là vốn bổ sung thêm từ bên ngoài (phát hành riêng lẻ hay phát hành cho cổ đông hiện hữu)…

Năm của những kỷ lục

Vượt qua những hạn chế của hệ thống giao dịch và cả sự thiếu hụt dòng vốn margin trong nhiều thời điểm, chứng khoán Việt Nam vẫn đứng vững nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trên thị trường. Một dòng vốn lớn đã lựa chọn chứng khoán trở thành kênh đầu tư.

Vào những ngày tháng 4/2021, VN-Index trở lại mức đỉnh lịch sử xác lập tròn 2 năm trước đó và tiếp tục “băng băng” đi lên tìm kiếm những đỉnh cao mới với một vài phiên vượt qua được ngưỡng 1.500 điểm. Điểm số lại nóng lên trong những ngày cuối năm, khi VN-Index tiến sát mốc này. Với mức tăng 35% so với thời điểm đầu năm, VN-Index đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 thị trường tăng tích cực nhất thế giới.

Tổng số tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020. Ước tính cả năm 2021, con số này có thể đạt 1,5 triệu, cao hơn 5 năm trước cộng lại.

 

Cùng với những con số kỷ lục về điểm số, thanh khoản cũng khiến các nhà đầu tư lâu năm phải choáng ngợp, bởi giá trị giao dịch bình quân năm 2021 đạt hơn 26.500 tỷ đồng, tăng gần 260% so với bình quân năm trước, trở thành thị trường có mức thanh khoản lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Không ít phiên giao dịch, giá trị vọt lên trên 2 tỷ USD, ngang ngửa thị trường Thái Lan, trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3.

Trong sự sôi động này của thị trường, khối ngoại lại là bên rút ròng mạnh mẽ. Thống kê tới giữa tháng 12/2021, khối ngoại đã bán ròng tới 60.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2,7 tỷ USD. Dòng tiền cá nhân là bên “cân” lại với lực mua ròng áp đảo. Cũng chính nhóm nhà đầu tư này đã xác lập kỷ lục mới về số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lần đầu tiên, chỉ trong tháng 11, số tài khoản mở mới đã vượt 200.000 đơn vị. Tổng số tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020. Ước tính cả năm 2021, con số này có thể đạt 1,5 triệu, cao hơn 5 năm trước cộng lại.

Sự sôi động của thị trường thứ cấp nhanh chóng lan tỏa đến thị trường sơ cấp. Hàng loạt doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư chiến lược. Năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết.

Dòng tiền vào ngày càng tăng thêm, đồng thời cũng luân chuyển qua các nhóm ngành. Cập nhật đến ngày cuối năm 2021, đóng góp nhiều nhất cho sức tăng của VN-Index là các cổ phiếu của Masan (MSN), Hoà Phát (HPG), nhóm bất động sản như Novaland (NVL), Vinhomes (VHM) và nhóm ngân hàng như VPBank, Techcombank, VietinBank…

Nhiều dòng cổ phiếu đã trở thành các trụ đỡ chính của thị trường. Nhóm ngân hàng - chứng khoán - thép liên tục tăng giá hồi giữa năm. Dù sau đó tiếp tục có những tháng điều chỉnh, song nhiều khoảng thời gian, các cổ phiếu này vẫn trở lại vai trò trụ cột.

Tin liên quan
Tin khác