Trong quý II/2023, Chứng khoán DSC ghi nhận tổng doanh thu đạt 126,6 tỷ đồng, tăng 411,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 44,95 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,14 tỷ đồng, tức tăng thêm 49,09 tỷ đồng.
Trong kỳ, tổng chi phí tăng 70,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 11,33 tỷ đồng, lên 27,32 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 399,9%, tương ứng tăng thêm 28,43 tỷ đồng, lên 35,54 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17,5%, tương ứng tăng thêm 1,15 tỷ đồng, lên 7,74 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về cơ cấu tổng doanh thu, đối với hoạt động tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 76,35 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 36,65 tỷ đồng, lên 37,13 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 74,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 12,66 tỷ đồng, về 4,34 tỷ đồng.
Đối với hoạt động khác, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 456,8%, tương ứng tăng thêm 24,21 tỷ đồng, lên 29,51 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 15 lần, tương ứng tăng thêm 28,2 tỷ đồng, lên 30,1 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán ghi nhận 25 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Xét về cơ cấu tổng chi phí, lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 97,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 10,83 tỷ đồng, về 0,23 tỷ đồng; chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 730,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 19,42 tỷ đồng, lên 24,08 tỷ đồng.
Hoàn thành 72,5% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm 2023
Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Chứng khoán DSC ghi nhận tổng doanh thu đạt 194,05 tỷ đồng, tăng 234,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 56,08 tỷ đồng, tăng 479,3% so với cùng kỳ.
Được biết, trong năm 2023, Chứng khoán DSC đặt mục tiêu tổng doanh thu 281 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 97 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần so với thực hiện năm 2022. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Chứng khoán DSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 70,37 tỷ đồng và hoàn thành 72,5% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán DSC tăng 81,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.963,4 tỷ đồng, lên 4.372,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 1.950,8 tỷ đồng, chiếm 44,6% tổng tài sản; các khoản cho vay ghi nhận 1.108,4 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 953,9 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng tài sản.
Trong kỳ, biến động tài sản chủ yếu tiền và các khoản tương đương tiền tăng thêm 953,33 tỷ đồng, lên 953,9 tỷ đồng (đầu kỳ 0,57 tỷ đồng); các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 73,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 826,4 tỷ đồng, lên 1.950,8 tỷ đồng; các khoản cho vay tăng 11,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 110,7 tỷ đồng, lên 1.108,4 tỷ đồng.
Chứng khoán DSC có thuyết minh, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chủ yếu 1.857,8 tỷ đồng là chứng chỉ tiền gửi; 93,04 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.
Về phần nguồn vốn, biến động mạnh trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu do vay ngắn hạn tăng 69,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 915,8 tỷ đồng, lên 2.226,9 tỷ đồng và chiếm 50,9% tổng nguồn vốn; các khoản phải trả, phải nộp khác ngắn hạn tăng thêm 700,7 tỷ đồng so với đầu năm, lên 703,2 tỷ đồng (đầu năm 2,5 tỷ đồng) và chiếm 16,1% tổng nguồn vốn.
Cơ cấu nợ vay của Chứng khoán DSC tại thời điểm 30/6/2023 (Nguồn: BCTC) |
Về phần vay nợ ngắn hạn tăng lên, Chứng khoán DSC cho biết chủ yếu ghi nhận 1.252,93 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; 564 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Petrolimex; 310 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam …
Chứng khoán DSC muốn chuyển sang HoSE và bán vốn cho cổ đông chiến lược
Một diễn biến đáng lưu ý khác, Chứng khoán DSC công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản lần 2, thời gian lấy ý kiến từ cổ đông đến trước ngày 12/9/2023.
Trong đó, Công ty trình cổ đông thông qua việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đối tượng và thời gian triển khai ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE, thời gian triển khai sẽ giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị.
Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 4/7 là kết thúc đợt chào bán 5 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 5% vốn điều lệ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, kết thúc đợt chào bán, số lượng lao động thực hiện mua là 59, tương ứng 4.883.700 cổ phiếu và còn lại 116.300 cổ phiếu không chào bán hết.
Ngoài ra, Chứng khoán DSC thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chào bán 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán DSC sẽ tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán DSC dự kiến sẽ dùng 49%, tương ứng 490 tỷ đồng để bổ sung dòng tiền cho vay ký quỹ (margin); 49,5% tổng số tiền (495 tỷ đồng) sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh; và còn lại 1,5% được sử dụng vào các mục đích như bổ sung vốn nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vốn cho việc cung cấp dịch vụ, bổ sung vốn cho các hoạt động hợp pháp khác.
Được biết, tính tới cuối năm 2022, Chứng khoán DSC có hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Đầu tư NTP sở hữu 70% vốn điều lệ; cổ đông Văn Lê Hằng sở hữu 10,03% vốn điều lệ; và còn lại 19,97% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/7, cổ phiếu DSC tăng 300 đồng lên 24.800 đồng/cổ phiếu.