Cuộc họp đại hội đồng cổ đông Kim Long diễn ra chiều 25/4 |
Đại hội đã chính thức thông qua phương án giải thể công ty.
Ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty vừa tiết lộ, đến thời điểm hiện tại, tiền mặt do Kim Long nắm gĩư là hơn 1.900 tỷ đồng.
Giá trị cổ phiếu niêm yết hiện chỉ còn khoảng 20 - 30 tỷ như vậy công ty đã thanh lý gần hết số cổ phiếu niêm yết so với con số 300 tỷ được lãnh đạo công ty này công bố cách đây nửa tháng.
Chứng khoán OTC còn vài chục tỷ và một số khoản phải thu vài chục tỷ.
Theo đó, tổng giá trị tài sản có thể thanh lý để chuyển thành tiền chia cho cổ đông đến khi giải thể có thể đảm bảo chắc chắn là trên 2.000 tỷ đồng. Do đó, mức chia khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu có thể được đảm bảo.
Dự kiến, giao dịch hủy niêm yết sẽ vào khoảng nửa đầu tháng 8/2016 và trong tháng 8 có thể chia tạm ứng đợt 1 khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu.
Lộ trình giải thể cụ thể sẽ được chia làm 3 giai đoạn, cụ thể như sau:
GIAI ĐOẠN 1 (16 NGÀY): Từ Đại hội cổ đông đến khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của UBCKNN về phƣơng án xử lý tài khoản: Từ 25/4 đến giữa tháng 5/2016.
Công bố thông tin về việc giải thể theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ Nộp UBCKNN.
Phương án xử lý tài khoản tự doanh, các hợp đồng đã ký, và các tài khoản của khách hàng.
Gửi cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp Nghị quyết về giải thể, 22 biên bản họp của ĐHĐCĐ, và Phương án giải quyết nợ.
Ký Thỏa thuận nguyên tắc về chuyển giao tài khoản khách hàng với một công ty chứng khoán khác Liên hệ với HSX, HNX và VSD thống nhất về lộ trình.
Hủy tư cách thành viên trên Sở giao dịch và hủy tư cách thành viên lưu ký UBCKNN có ý kiến bằng văn bản về Phương án đã nộp.
GIAI ĐOẠN 2 (76 NGÀY): Từ lúc UBCKNN có ý kiến đồng ý về Phƣơng án xử lý tài khoản cho đến khi UBCKNN ra QĐ chấp thuận giải thể: Từ giữa tháng 5/2016đến cuối tháng 7/2016.
Thực hiện các thủ tục với HSX, HNX, VSD để chấm dứt tư cách thành viên.
Công bố thông tin và thông báo đến khách hàng để thực hiện tất toán tài khoản, hoàn trả (chuyển khoản) đầy đủ tiền và chứng khoán theo yêu cầu khách hàng.
Ký Thỏa thuận chính thức chuyển giao tài khoản khách hàng với Công ty chứng khoán khác
Thực hiện thanh lý các Hợp đồng tư vấn doanh nghiệp
Báo cáo UBCKNN, HNX, HSX về tình hình tất toán tài khoản, tài khoản chưa thực hiện tất toán kèm theo số dư tiền và chứng khoán của từng tài khoản này, tình hình thực hiện phương án xử lý tài khoản tự doanh và các hợp đồng đã ký với khách hàng còn hiệu lực có liên quan
Thực hiện các thủ tục quyết toán thuế và kiểm toán BCTC đến 30/6/2016
KLS nộp Hồ sơ đề nghị chấp thuận giải thể cho UBCKNN
UBCKNN ra quyết định chấp thuận giải thể KLS công bố thông tin về QĐ chấp thuận giải thể.
GIAI ĐOẠN 3 (107 NGÀY): Từ lúc UBCKNN ra QĐ chấp thuận giải thể đến lúc UBCKNN thu hồi GP hoạt động: Từ cuối tháng 7/2016 đến giữa tháng 11/2016.
Thực hiện công bố thông tin và thực hiện các thủ tục hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu KLS tại HNX
Thực hiện các thủ tục chốt danh sách tại ngày hủy niêm yết để tạm chia tiền cho cồ đông (dự kiến tháng 9/2016)
Thực hiện thủ tục giải thể theo Luật doanh nghiệp
Thực hiện quyết toán thuế từ thời điểm 01/7/2016 đến thời điểm giải thể
Thực hiện chia nốt số tiền còn lại cho cổ đông
Tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính đến thời điểm giải thể
Tiến hành thủ tục trả dấu cho cơ quan công an
Báo cáo kết quả về việc thực hiện giải thể tới UBCKNN UBCKNN thu hồi GPHĐ và CBTT.
Theo giải trình của Công ty trước các cổ đông về việc giải thể, Chứng khoán Kim Long cho biết, phương châm hoạt động của công ty là “Trung thực và Cẩn trọng”, do đó KLS luôn luôn duy trì ổn định các hoạt động kinh doanh của mình qua các năm.
Theo đó, tiêu chí hoạt động của Công ty là luôn đề cao công tác quản trị rủi ro trong những thời điểm khó khăn của thị trường nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn của Công ty.
Dẫn chứng về việc này, đại diện Kim Long cho biết, năm 2013, mặc dù thị trường có nhiều biến động lớn nhưng KLS đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo toàn nguồn vốn của mình và thu được mức lợi nhuận hơn 138 tỷ đồng, cải thiện đáng kể mức lợi nhuận sau thuế so với năm 2012.
Trong năm 2014, tận dụng những dấu hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán và với những chính sách phát triển phù hợp, KLS ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong mảng đầu tư, góp vốn so với các năm trước đó, ở mức doanh thu đạt 88,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thế năm 2014, do đó tăng lên 144,8 tỷ đồng.
Sang năm 2015, doanh thu trong mảng đầu tư của Công ty vẫn duy trì ở mức 82,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình thị trường có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến giá dầu suy giảm kỷ lục đã khiến danh mục đầu tư của Công ty (vồn có tỷ trọng lớn các cổ phiếu ngành dầu khí) bị suy giảm nghiêm trọng và mức dự phòng giảm giá chứng khoán tại ngày 31 tháng 12 năm 2015 là xấp xỉ 190 tỷ đồng.
Thêm vào đó, mức lãi suất thấp trong năm 2015 khiến do doanh thu từ các hoạt động kinh doanh nguồn vốn của KLS cũng bị suy giảm. Điều đó dẫn đến mức lỗ cả năm 2015 của Công ty là 68,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong Quý 1 năm 2016, diễn biến giá cổ phiếu ngành dầu khí có sự phục hồi tốt theo giá dầu đã giúp cho giá trị danh mục đầu tư của KLS được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo tài chính Quý I năm 2016, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty đạt 3,8 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu tại KLS, các hoạt động kinh doanh có đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu của công ty là doanh thu từ hoạt động đầu tư – góp vốn và doanh thu khác (chủ yếu bao gồm thu lãi tiền gửi và doanh thu hoạt động giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán).
Những phân tích trên về hoạt động kinh doanh của Công ty cho thấy, các hoạt động kinh doanh của Công ty qua các năm đã luôn duy trì được sự ổn định và an toàn, bảo vệ được nguồn lực tài chính cho Công ty.
Tuy nhiên, chính vì mục tiêu bảo toàn nguồn lực mà hiệu quả kinh doanh mang lại không cao. Ngay cả trong những năm kết quả kinh doanh được đánh giá là thành công, hiệu quả mang lại cũng không vượt qua được mức ROE của nhiều doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác trên thị trường.
Trong khi đó, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn tương đối nhỏ cả về mức vốn hóa và giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong khi có quá nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán cùng tham gia hoạt động. Cạnh tranh trong các hoạt động dịch vụ chứng khoán rất quyết liệt và thị phần chủ yếu thuộc về các công ty lớn, có lịch sử hoạt động lâu dài; hoặc một số công ty chứng khoán chấp nhận được mức độ rủi ro cao.
Vì vậy, nếu Công ty muốn gia tăng thị phần trong các hoạt động nghiệp vụ thì phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, có thể dẫn đến thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông.
Trước bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đưa ra các kế hoạch tái cơ cấu nhằm giảm bớt số lượng các công ty chứng khoán, đưa ra các quy định chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống tài chính.
Các quy định này có mục tiêu hạn chế rủi ro và ngăn chặn những phản ứng dây chuyền trên thị trường có thể dẫn đến những biến động lớn. Tuy nhiên, mặt trái của những quy định này khiến cho các công ty chứng khoán không thể thực hiện các khoản đầu tư lớn, lâu dài và mang tính chi phối trong các doanh nghiệp mục tiêu.
Vì vậy, đại diện Kim Long cho rằng, khả năng kiểm soát các khoản đầu tư dài hạn có nhiều hạn chế nên nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Công ty đã được tận dụng tối đa cho mục đích sinh lợi trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức lãi suất huy động của ngân hàng từ các tổ chức kinh tế luôn luôn thấp hơn mức lãi suất trả cho các cá nhân.
Hiện nay, KLS nắm giữ danh mục chủ yếu là tiền mặt và các khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết, do đó, giá trị sổ sách của cổ phiếu KLS đã phản ánh tương đối đầy đủ giá trị thị trường của từng tài sản, vì vậy khi giải thể, giá trị còn lại chia cho các cổ đông sẽ cao hơn giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường.
Từ những lý do trên, Hội đồng quản trị Công ty đã nhất trí thông qua Phương án giải thể công ty để trình Đại hội đồng cổ đông năm 2016. Việc giải thể này theo đánh giá của Hội đồng quản trị sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của Công ty trong tình hình hiện nay.