Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán lao dốc mạnh, lãnh đạo VNDIRECT khuyên nhà đầu tư bình tĩnh
T.L - 19/04/2022 16:46
Ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc VNDirect khuyên nhà đầu tư bình tĩnh và cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố tích cực.
Ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc VNDirect,

Thị trường chứng khoán chiều nay tiếp tục chứng kiến thêm một phiên giảm sốc với 164 mã giảm sàn, kéo dài đà lao dốc từ đầu tháng tới nay và chưa có dấu hiệu “cầm máu’. Ngoài ảnh hưởng của vụ việc FLC, Tân Hoàng Minh, đâu là nguyên nhân dẫn tới diễn biến tiêu cực này, theo ông?

Diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây chủ yếu bị ảnh hưởng bởi một số thông tin tiêu cực trong và ngoài nước.

Ở bối cảnh thế giới, căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đẩy áp lực tăng giá cả hàng hóa và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ dấy lên lo ngại về việc dòng vốn rời khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi, bao gồm cả Việt Nam.

Ở trong nước, tâm lý nhà đầu tư cũng khá dè dặt trước những thông tin tiêu cực xuất hiện gần đây liên quan đến các tập đoàn và cá nhân có sự ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Tuy nhiên tôi cho rằng, về lâu dài, những sự kiện này cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc nâng cao sự minh bạch của thị trường, duy trì sự phát triển bền vững và bảo vệ quyền hợp pháp của nhà đầu tư.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh đầu tư theo các tin đồn mà cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp để đưa ra quyết định.

Trong bối cảnh nhà đầu tư hoang mang, thì các đợt call margin gần đây của các công ty chứng khoán càng khiến cổ phiếu lao dốc. Theo ông, dư nợ cho vay margin ở mức này liệu đã đến mức bao động? 

Trong quá khứ, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều đợt điều chỉnh sâu, dẫn đến margin call. Tuy nhiên, margin call là một công cụ cần thiết trong hoạt động cho vay ký quỹ, không chỉ là biện pháp quản trị rủi ro của công ty chứng khoán mà còn là công cụ để hỗ trợ các nhà đầu tư ngăn ngừa tổn thất lớn hơn và quản lý rủi ro. 

Theo số liệu ước tính của VNDIRECT, tính đến hết quý I/2022, dư nợ margin toàn thị trường đạt đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, nếu so với quy mô vốn hóa toàn thị trường, thì dư nợ margin ở mức khá khiêm tốn khi chỉ chiếm 3% vốn hóa của toàn thị trường.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước tháng 3 lập kỷ lục lịch sử. Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mở mới 270.011 tài khoản và 206 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,9 triệu, xấp xỉ 5% dân số, vượt trước 3 năm với mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Tuy nhiên, con số 5% này còn khá khiêm tốn đối với các thị trường chứng khoán trong khu vực, do vậy dư địa cho tăng trưởng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới, quy mô thị trường cũng như dư nợ cho vay margin còn rất lớn trong thời gian sắp tới.

Đây cũng là động lực chính cho các công ty chứng khoán đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu thị trường.  VNDIRECT là một trong số ít công ty sắp cán đích kế hoạch tăng vốn trong nửa đầu năm 2022, qua đó tăng vốn thành công 4.349 tỷ đồng, nâng quy mô vốn chủ sở hữu lên dự kiến là 14.541 tỷ đồng.

Theo Luật Chứng khoán và các văn bản quy định hiện hành, các công ty chứng khoán phải tuân thủ giới hạn hoạt động trong việc cho vay margin cụ thể dư nợ cho vay margin không vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu của các CTCK.

Tuy nhiên, để đánh giá mức độ an toàn trong hoạt động cho vay margin, tôi cho rằng, cần nhìn vào chính sách quản trị rủi ro của từng CTCK.

 Dù cho quy mô dư nợ cho vay thấp, song danh mục cho vay có chất lượng thấp, hoặc rủi ro tập trung cao (tập trung vào một nhóm cổ phiếu, hoặc nhóm cá nhân…), thì mức độ rủi ro chung cũng sẽ khá lớn.

Đối với VNDIRECT, chúng tôi luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật về cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán. Công ty cũng đã xây dựng và triển khai các mô hình định lượng rủi ro để quyết định mức cho vay phù hợp, đặc biệt với nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ và biến động giá lớn, Công ty luôn áp dụng quy định giá tối đa có thể cho vay theo phương pháp định giá giá trị, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động giao dịch margin.

Bên cạnh đó, Công ty liên tục theo dõi diễn biến trên thị trường và giao dịch của khách hàng để có các điều chỉnh chính sách kịp thời. Trong trường hợp nhóm cổ phiếu này có diễn biến xấu, VNDIRECT liên tục cân nhắc điều chỉnh tỷ lệ cho vay để kiểm soát rủi ro.

Tuần qua, thị trường xuất hiện tin đồn siết tín dụng chứng khoán sau khi một ngân hàng lớn ra văn bản tạm ngừng cấp tín dụng chứng khoán. Siết tín dụng chứng khoán có phải là thông tin khiến thị trường “xấu càng thêm xấu” những phiên gần đây?

Việc kiểm soát tín dụng với lĩnh vực chứng khoán không phải vấn đề mới. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay vẫn là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, cả về quy mô vốn tín dụng và chất lượng tín dụng nhằm mục đích tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường chứng khoán lành mạnh, ổn định và bền vững, hạn chế việc tăng trưởng nóng và mang tính đầu cơ.

Chính sách kiểm soát tín dụng với lĩnh vực chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước đươc thể hiện qua các quy định về  giới hạn cấp hạn mức tín dụng cho hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ được cấp của mỗi ngân hàng.

Các ngân hàng vẫn đang tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp tín dụng cho công ty chứng khoán.

Tại VND, ngoài xây dựng được nền tảng quan hệ hợp tác về vốn rất chặt chẽ với các định chế tài chính lớn trong nước, chúng tôi liên tục mở rộng và đa dạng hóa các kênh huy động khác thông qua năng lực phát hành ra công chúng, năng lực tiếp cận thị trường vốn quốc tế.  

Theo ông, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến ra sao? 

Nhìn chung, tôi cho rằng, khi hiệu ứng tác động của các yếu tố tiêu cực giảm bớt, thì các yếu tố tích cực của nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó.

Thứ nhất, thị  trường vẫn được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô vững chắc. GDP quý I/2022 tăng trưởng 5,03%, lạm phát vẫn được kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới tăng mạnh; tiền Đồng vẫn ổn định so với đồng tiền khác trong trong vực. Cùng với việc từng bước mở cửa các chuyến bay quốc tế, các chính sách hỗ trợ đang được triển khai quyết liệt để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trong các quý tới.

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục được yểm trợ bởi dòng vốn trong nước. Những số liệu về tài khoản chứng khoán mở mới gần đây cho thấy, nhiều người dân lựa chọn chứng khoán là một kênh đầu tư. 

Tôi cho rằng, điều này là hợp lý và phù hợp với sự phát triển của đất nước khi đầu tư sẽ dần trở thành một kỹ năng thiết yếu của mỗi người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang được cân nhắc nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging) trong tháng 9, cũng là một điểm sáng đáng kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác