Bà Thái Thị Thuận, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth |
Rót vốn vào cổ phiếu trong bối cảnh thị trường hiện nay, rủi ro có gia tăng, thưa bà?
Thời gian qua, việc đầu tư vào cổ phiếu của nhà đầu tư không kỳ vọng đạt được lợi nhuận cao, nhưng khoản lỗ trong đầu tư cũng rất ít. Nếu nhà đầu tư không vội bán ra và có sự kiên nhẫn trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng đến 1 năm, thì lãi thu về sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Như vậy lợi tức đạt được của 2 quỹ mở do VinaWealth quản lý trong năm qua ra sao?
Tính đến đầu tháng 3/2016, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đầu tư trái phiếu VFF đạt 120,9 tỷ đồng đến từ hơn 600 nhà đầu tư tham gia Quỹ. Lợi nhuận tích lũy của Quỹ VFF sau 3 năm hoạt động đạt 23%, tương đương mức sinh lời bình quân 8%/năm, cao hơn so với mức 6,9% nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại Vietcombank, hoặc mức bình quân 5,8% nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Bản thân quỹ VFF khi đi vào hoạt động đã là một sản phẩm đầu tư tiên phong mang tính đột phá với nhà đầu tư trong nước, do là mô hình đầu tư hoàn toàn mới lạ, điều kiện khi quỹ được thành lập không thật sự thuận lợi và quy mô quá nhỏ để có thể hoạt động hiệu quả. Do đó, mọi hoạt động của VFF đều được theo sát chặt chẽ từ khâu phân tích, đầu tư đến quảng bá thông tin, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư, cách thức phát triển các kênh phân phối chứng chỉ quỹ.
Ngoài VFF, VinaWealth còn quản lý thêm một quỹ mở là Quỹ đầu tư cổ phiếu VEOF. Rủi ro đầu tư quỹ mở không cao, trong khi khoản đầu tư đòi hỏi không lớn, chỉ vài triệu đồng, lợi nhuận cũng rất phù hợp. Chẳng hạn năm 2015, với VEOF, lợi nhuận là 9,8%; với VFF, lợi nhuận là 6,7% nếu đầu tư từ đầu năm và hầu như khoản lỗ của khách hàng rất ít nếu không vội bán ra.
Nhận định của bà về diễn biến của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn và trung hạn?
Đối với thị trường chứng khoán, các nhận định đưa ra từ nay đến tháng 6/2016 sẽ không có nhiều biến động và cũng không tốt hơn so với hiện nay. Các kỳ vọng đều dồn vào quý III và kéo dài đến quý IV, khi thị trường bắt đầu tăng trở lại và khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10%.
Nguyên nhân là thị trường sau thời điểm tháng 6 sẽ có những điểm rõ hơn, trong đó kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong 2 quý đầu năm cũng bắt đầu lộ rõ. Mặt khác, lo ngại về biến động tỷ giá của tiền đồng không còn lớn như trước, nên tâm lý của nhà đầu tư cũng bớt lo việc sẽ mất tiền khi tỷ giá biến động trong năm 2016.
Nhưng theo các dự báo đưa ra, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng tiếp lãi suất chậm nhất cuối năm nay. Nếu điều này sớm xảy ra sẽ tác động và tạo áp lực lên tỷ giá tiền đồng, thưa bà?
So với xu hướng cuối năm trước, hiện Fed cũng thể hiện sự thận trọng trong việc điều chỉnh tiếp lãi suất cơ bản của USD trong thời gian tới. Chính điều này sẽ làm giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD và nhà đầu tư ngoại cũng cảm thấy yên tâm hơn trong việc đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi thực tế, biến động của lãi suất USD và xu hướng điều chỉnh lãi suất của Fed ít nhiều ảnh hưởng đến chứng khoán trong thời gian qua, cũng như tâm lý của khối ngoại.