Tăng vốn gấp 2,27 lần, huy động thêm nghìn tỷ từ trái phiếu
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – mã: ORS) mới đây đã họp hội đồng quản trị thông qua chi tiết việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ. Chứng khoán Tiên Phong dự kiến phát hành hơn 56 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Trước đó, nội dung này cũng đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi giữa tháng 6/2020.
Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và mong muốn đồng hành cùng công ty, có khả năng hỗ trợ công ty trong việc cải thiện hoạt động kinh doanh. Trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong sẽ được chào bán 5,05 triệu cổ phiếu, tương đương 11,49% lượng phân phối lần này. Danh sách nhà đầu tư được chào bán chính thức cũng đã được thông qua tại một cuộc họp HĐQT hồi giữa tháng 8 vừa qua.
Số vốn huy động được nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Cuối tháng 8 vừa qua, công ty chứng khoán này cũng đã chào bán thành công ba đợt phát hành trái phiếu cùng kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 500 tỷ đồng. Lãi suất cho năm đầu tiên cố định ở mức 9,2%/năm và thả nổi với biên độ 2,5%/năm đối với các năm sau đó. Lãi sẽ được thanh toán mỗi 3 tháng.
Theo tờ trình được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên, công ty chứng khoán này dự kiến sẽ huy động tổng cộng 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng để phân bổ cho các hoạt động bao gồm có vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và đầu tư vốn khác.
Cùng đó, công ty cũng dự kiến tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, bổ sung thêm hoạt động kinh doanh chứng quyền khi đủ điều kiện.
Lợi nhuận nửa đầu năm chủ yếu từ mảng tư vấn tài chính
Trước các đợt huy động vốn này, quy mô TPS cũng đã mở rộng khá nhanh trong nửa đầu năm. Nguồn vốn của công ty có tới hơn 81 tỷ đồng là từ tiền mua hộ trái phiếu. Đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của TPS dù vẫn còn khá khiêm tốn (525,6 tỷ đồng) nhưng cũng đã tăng tới 60% so với cuối năm trước. Hơn một nửa tài sản của công ty vẫn nằm ở các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng (257 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm gấp gần 10 lần cùng kỳ với lợi nhuận trước thuế đạt 47,5 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận đến từ hoạt động tư vấn tài chính với doanh thu là 135 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đã hơn 55 tỷ đồng. Doanh thu môi giới cũng cải thiện đáng kể từ hơn 200 triệu đồng năm trước lên 4,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, Chứng khoán Tiên Phong đã đổi tên được một năm rưỡi với nhận diện thương hiệu mới mang màu tím đặc trưng của TPBank. Tỷ lệ sở hữu của TPBank tại công ty chứng khoán này hiện khoảng 9,01%. Chủ tịch HĐQT của TPS là ông Đỗ Anh Tú, người đang đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch HĐQT của TPBank. Sau khi tái cấu trúc từ Chứng khoán Phương Đông (ORS), TPS được xem là tân binh trên thị trường, lợi thế cạnh tranh về tập khách hàng không nhiều. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty chứng khoán này, động lực tăng trưởng thời gian tới phần lớn đến từ việc tham gia hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong để tận dụng tệp khách hàng, công nghệ, nguồn lực tài chính và nhân sự.