Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán tuần mới hướng tới lạc quan
Thanh Thuý - 09/02/2014 09:36
Hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định trong tuần giao dịch tới đây, thị trường sẽ đón nhận những phiên điều chỉnh.

Trong tuần này từ ngày 3-7/2, thị trường chỉ thực hiện 2 phiên giao dịch. Chỉ số Vn-Index đã giảm điểm trong cả hai phiên và chính thức đánh mất mốc kháng cự mạnh 550 điểm trong phiên cuối tuần ngày 7/2. Tuy nhiên, có thể do tâm lý xuống tiền lấy may đầu năm cùng với dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào thị trường giúp thanh khoản ở những phiên này khá lớn.

Kết thúc tuần, VN-Index giảm 6,76 điểm, tương đương giảm 1,22% và chốt tuần đứng ở mức 549,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 107,1 triệu đơn vị/phiên. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.944,8 tỷ đồng/phiên. Trong đó, phiên cuối tuần, tổng giá trị khớp lệnh đạt trên 2.375 tỷ đồng.

Tổng hợp giao dịch trên HOSE trong tuần từ 3-7/2

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

7/2/2014

549,76

-4,92(-0,89%)

124.966.662

2.375.330

6/2/2014

554,68

-1,84(-0,33%)

89.235.280

1.514.270

Tổng

-6,76(-1,22%)

214.201.942

3.889.600

Trong khi đó, sàn HNX có hai phiên trái chiều nhau. Nếu phiên chào xuân tăng điểm khá mạnh nhưng thanh khoản là điểm hạn chế thì phiên cuối tuần, HNX-Index không còn duy trì được sắc xanh nhưng bù lại là thanh khoản cũng vụt tăng mạnh.

Kết thúc tuần, HNX-Index tăng 0,57 điểm, tương đương tăng 0,76% so với tuần trước, đứng ở mức 74,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 60,05 triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 492,2 tỷ đồng/phiên.

Tổng hợp giao dịch trên HNX trong tuần từ 3-7/2

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

7/2/2014

74,78

-0,26(-0,35%)

80.331.852

621.830

6/2/2014

75,05

+0,83(+1,11%)

39.761.629

362.560

Tổng

+0,57(+0,76%)

120.093.481

984.390

Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có hai phiên giao dịch khá tích cực. Nếu phiên chào xuân họ gia tăng mạnh về số lượng mã giao dịch thì sang phiên tiếp theo họ lại củng cố về giá trị khi dòng tiền bơm vào thị trường ồ ạt.

Cụ thể, trên HOSE, họ mua vào tổng cộng hơn 16,3 triệu đơn vị, tổng giá trị mua vào đạt 969,6 tỷ đồng. Ngược lại, họ cũng bán ra 18,26 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ra đạt 1.033,59 tỷ đồng. Như vậy, họ bán ròng 1,95 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 63,99 tỷ đồng.

Trên HNX, họ mua vào 3,84 triệu đơn vị, tổng giá trị mua vào 56,26 tỷ đồng. Trong khi đó, họ bán ra 1,56 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ra đạt 37,44 tỷ đồng. Như vậy, họ mua ròng 2,27 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 18,82 tỷ đồng.

Tổng hợp giao dịch của NĐT nước ngoài trên TTCK từ ngày 3-7/2

Ngày

Giá trị (đơn vị: tỷ đồng)

Mua

Bán

Mua-Bán

7/2/2014

735,540

684,660

50,880

6/2/2014

290,320

386,370

-96,050

Tổng

1,025,860

1,071,030

-45,170


Tính chung trên cả 2 sàn trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 20,14 triệu đơn vị, tổng giá trị mua vào đạt 1.025,86 tỷ đồng và bán ra tổng cộng 19,82 triệu đơn vị, trị gía 1.071,03 tỷ đồng.

Như vậy, trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 318.640 đơn vị, tuy nhiên tổng giá trị là bán ròng 45,17 tỷ đồng.

Nhận định của các CTCK:

Thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Dự báo các phiên đầu tuần tới, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các phiên điều chỉnh. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình cho danh mục trung hạn. Việc quay vòng một phần kết hợp tái cơ cấu cho danh mục ngắn hạn cũng có thể được xem xét nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nhà đầu tư nên canh chừng các điểm chốt lời

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Sau giai đoạn tăng dài và nhanh chóng trước Tết, chúng tôi cho rằng, thời điểm hiện tại thị trường dễ điều chỉnh hoặc tích lũy, nhất là đặt trong bối cảnh thị trường bên ngoài có nhiều bất ổn. Các mô hình kỹ thuật cho sự điều chỉnh hoặc tích lũy này còn chưa thể hiện.

Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ cổ phiếu và canh chừng các điểm chốt lời nếu giá trượt xuống dưới mức đóng vị thế. Các nhà đầu tư kinh nghiệm thường đặt các lệnh thoát trạng thái trượt (trailing stops) để bảo toàn lợi nhuận trong các biến động giá tăng vọt như với đồ thị của VN-Index.

Khối ngoại vẫn là lực đỡ chính cho các chỉ số

(CTCK FPT – FPTS)

Nhìn chung, dù chỉ số giảm nhưng sự sôi động của thị trường vẫn được duy trì sau Tết. Do chỉ số đã tăng đáng kể trước đó nhờ nhóm bluechip, do đó sự điều chỉnh gần đây cũng là điều dễ hiểu và cần thiết. Khi thanh khoản thị trường được giữ ở mức cao với sự góp mặt thường trực của dòng tiền đầu cơ thì nguy cơ sụt giảm mạnh của thị trường là chưa đáng lo ngại. Nhưng cần chú ý rằng lực mua của nhóm ngoại vẫn sẽ là lực đỡ chính cho các chỉ số do đó nhà đầu tư cần theo sát các động thái sắp tới của các quỹ ETF.

Vừa qua họ đã phát hành thành công lượng lớn chứng chỉ quỹ và thu về mức lợi nhuận đáng kể nhờ sự tăng trưởng giá của danh mục. Trong khi đó sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và rủi ro cắt giảm thêm QE của FED sẽ là những áp lực chính có thể khiến nhóm ngoại thực hiện chốt lời trong thời gian tới.

Thị trường có thể giảm về 520 điểm

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Hai chỉ số đã có những biến động, tạo ra sự rung lắc khá mạnh ở hai phiên đầu tiên. Sự rung lắc này đã khiến nhiều NĐT bán mạnh cho dù ban đầu họ chỉ muốn bán lấy may hơn. Chỉ số VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp và xu hướng này chưa chắc đã sớm dừng lại. Nhiều NĐT tỏ ra lo lắng nhưng thực ra điều đó là hoàn toàn hợp lý với thực tế bởi ngoài yếu tố bất lợi từ TTCK thế giới thì hiện tại cũng không thể có thông tin hỗ trợ cho thị trường.

Sự giảm điểm này về mặt nào đó lại là sự tích cực hơn, bởi nếu như đà tăng mạnh tiếp tục thì có thể thị trường lại rơi vào một vòng xoáy khốc liệt ít ai tưởng tượng được. Vẫn có những điểm tích cực từ hai phiên này đáng được ghi nhận. Cho dù bên bán đang là người tạo ra vị thế thì cầu mua vào cũng không hoàn toàn lép vế với lệnh mua giá thấp lớn. Thanh khoản tăng mạnh, và đây có thể là một sự đổi vị cho thấy thị trường vẫn còn những điều thú vị phía trước.

Thị trường chốt tuần với một cây nến đỏ dài, cho thấy áp lực bán sẽ vẫn còn. Dưới góc nhìn kỹ thuật thì chỉ số VN-Index cần phải lấp đầy những khoảng Gap mà chỉ số này đã tạo ra trong nhịp tăng trước.

Do đó, có thể thị trường vẫn còn một nhịp giảm về vùng 520 điểm trước khi tạo ra một đà tăng mới. Nếu như nó là hiện thực thì nhóm LargeCap sẽ là nhóm có nguy cơ giảm điểm lớn nhất, trong khi nhiều mã cổ phiếu nhỏ sẽ tiếp tục ngược dòng.

Thị trường có khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn

(CTCK BIDV – BSC)

Thanh khoản thị trường phiên cuối tuần tăng khá mạnh so với phiên trước, các chỉ số biến động nhưng không quá mạnh. Với diễn biến như vậy, thị trường đang có tín hiệu không tích cực báo hiệu khả năng có thể điều chỉnh trong ngắn hạn.

ETF vẫn còn có thể thu hút thêm vốn

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Việc điều chỉnh của thị trường chịu ảnh hưởng từ các mã vốn hóa lớn do khối ngoại tiếp tục bán ra. Tuy nhiên NĐTNN đã chuyển sang mua ròng nhờ lực mua đều của ETF khi VNM ETF vẫn đang giao dịch ở trạng thái premium.

Mức premium giảm nhanh từ 6% xuống 2.5% khiến một số NĐT trong nước lo lắng và bán ra nhưng ở mức này ETF vẫn còn có thể thu hút thêm vốn. Ngoài việc nhóm cổ phiếu Bluechip được khối ngoại ưa chuộng trong thời gian qua giảm điểm thì thanh khoản tăng cao là điểm nhấn đáng chú ý.

Thị trường vẫn lạc quan trong trung và dài hạn

(CTCK MB – MBS)

Thị trường phiên cuối tuần đi xuống khi cả VN-Index và HN-Index cùng giảm điểm; thanh khoản ở mức cao. VN-Index tiếp tục có phiên điều chỉnh bên dưới ngưỡng kháng cự 560.

Với biên độ điều chỉnh không sâu, chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan vào thị trường trong trung và dài hạn. Những nhịp điều chỉnh hiện tại có thể là cơ hội để mua vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm nay.

Tin liên quan
Tin khác