Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán Việt tăng tốc trên hành trình nâng hạng thị trường
Thanh Thủy - 10/03/2024 09:39
Sau hơn chục năm đề cập, nâng hạng thị trường là câu chuyện đang được quan tâm hơn bao giờ hết và có những bước đi rốt ráo.
Sau hơn chục năm phát triển, chứng khoán Việt Nam đang dần tiếp cận các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế. Ảnh: Đ.T

Từ quyết tâm đến hành động cho mục tiêu nâng hạng

Dự kiến ngay trong tháng 3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chính thức công khai và lấy ý kiến các thành viên thị trường về Dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và một bản dự thảo thông tư sửa đổi cùng lúc 4 thông tư hướng dẫn. Mục tiêu chính của những thay đổi tại các văn bản pháp lý trên là gỡ một phần “nút thắt” trong việc đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán.

Để gỡ “vướng” về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư ngoại - một trong những rào cản lớn khiến thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn hơn thị trường khu vực, theo bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cơ quan này đang rà soát kỹ các giải pháp theo hướng, các công ty chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện mới được phép cho nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh mua mà không cần có sẵn 100% tiền.

Mở đường từ khung pháp lý, hai văn bản gồm Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán với các nội dung liên quan đến vấn đề điều kiện cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán và Thông tư 120/2020/TT-BTC giao dịch cổ phiếu niêm yết sẽ cần sửa đổi.

Nút thắt cần gỡ để nâng hạng thị trường không chỉ nằm ở vấn đề giao dịch, mà còn ở khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài. Sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cơ quan quản lý dự kiến đưa ra thời hạn để công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết rà soát ngành nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Hiện tại, quy định về giới hạn sở hữu ngành nghề của nhà đầu tư nước ngoài đang nằm rải rác ở nhiều văn bản và thói quen đăng ký ngành nghề kinh doanh “thừa hơn thiếu” khiến chính doanh nghiệp cũng bối rối trong việc xác định “room” ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không có nơi để tiếp cận thông tin một cách chính thống, tập trung toàn diện.

Tới đây, dự kiến sẽ có một lộ trình để các doanh nghiệp dần công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Theo đó, sẽ yêu cầu công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh từ ngày 1/1/2025 và công bố cả thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh từ ngày 1/1/2026, sau đó mở rộng triển khai trên toàn thị trường.

Hiện tại, hai dự thảo đã được trình lên Bộ trưởng Bộ Tài chính và đang thực hiện tiếp các khâu. Mục tiêu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra là “cố gắng ban hành Nghị định sửa đổi trước tháng 8/2024”, đồng nghĩa, kịp trước thời điểm FTSE Russell - một trong 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường công bố Báo cáo phân loại thị trường định kỳ nửa năm vào tháng 9/2024.

Năm tăng tốc

Thực tế, nâng hạng thị trường là câu chuyện được nhắc đến trên thị trường chứng khoán hơn chục năm qua, nhưng vấn đề này đang thực sự nóng hơn bao giờ hết. Hội nghị đầu tiên về phát triển thị trường chứng khoán do Thủ tướng Chính phủ chủ trì được tổ chức cuối tháng 2/2024. Hai ngày sau, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Diễn đàn Vì một mùa Đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả, với sự tham gia của các đại diện từ hơn ngàn công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết.

Đích đến nâng hạng thị trường cần sự tham gia của nhiều bên. Các thành viên thị trường, cụ thể là nhóm doanh nghiệp niêm yết, sẽ cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin nếu các nội dung sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP được thông qua. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Đặc biệt, dòng vốn ngoại cũng được dự báo tích cực hơn. Sau năm 2023 rút ròng mạnh mẽ với giá trị bán ròng cả lên tới tỷ USD do xu hướng quay trở lại các nước phát triển và rút khỏi các nước cận biên và mới nổi, các chuyên gia phân tích dự báo, xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm 2024. Khi nhiều ngân hàng trung ương lớn được dự báo sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất trong năm nay, môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận từ những thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Dù khá thận trọng khi cho rằng, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chưa hồi phục ngay lập tức, song Trung tâm Phân tích (Công ty Chứng khoán SSI) kỳ vọng, ít nhất là áp lực bán của khối ngoại trong năm 2024 sẽ không còn mạnh như năm trước.

Cùng với các yếu tố vĩ mô quốc tế, cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong giai đoạn 2024-2025 được kỳ vọng là cú hích “hút” vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đánh giá năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường, năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá.

Từ quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với việc nâng hạng thị trường chứng khoán, các bộ, ngành hữu quan đang khẩn trương hành động. Với “hạn chót” báo cáo vào ngày 30/6/2024, các bộ, ban, ngành liên quan sẽ cần tăng tốc trong những tháng tới.

Việc phân hạng của hai tổ chức xếp hạng thị trường gồm FTSE và MSCI là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và việc này có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu.

FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018, xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong năm 2024 nhờ cơ bản đáp ứng 7/9 tiêu chí.

Tuy nhiên, MSCI áp dụng tiêu chí nâng hạng khắt khe hơn. Hiện tại, chứng khoán Việt Nam mới đáp ứng 9/18 tiêu chí. Trong đó, việc công bố thông tin về quy định pháp luật, doanh nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Anh để khối ngoại có thể tiếp cận và nắm bắt kịp thời, công bằng như nhà đầu tư nội là tiêu chí còn thiếu, song có thể sớm được cải thiện.
Tin liên quan
Tin khác