Để đạt được chứng chỉ Uptime Tier III, VNPT đã phải trải qua rất nhiều khâu đánh giá gắt gao của đội kỹ sư Uptime Institute về rất nhiều tiêu chí như: thuyết minh tính toán lựa chọn thiết bị, bản vẽ hệ thống điện, hệ thống lạnh, phòng cháy chữa cháy.
Tất cả các thông số tính toán thiết kế, lựa chọn thiết bị được thực hiện ở điều kiện nghiêm ngặt nhất về nhiệt độ, môi trường, thổ nhưỡng trong vòng 20 năm, những yếu tố làm ảnh hưởng đến vận hành trung tâm dữ liệu...
Các thiết bị vận hành chính hãng cũng phải được trực tiếp Giám đốc thiết kế kỹ thuật tại nhà máy sản xuất ký xác nhận vào từng catalogue thiết bị, các hệ thống thiết bị khi thiết kế phải đảm bảo bất cứ phần tử nào cần được thay thế, vào bất kể thời gian nào, toàn bộ hệ thống vẫn làm việc bình thường, các thư cam kết của các hãng về công suất đã chọn.
Cuộc chơi lớn về Data Center của VNPT ở đây là gì vậy, thưa ông?
Mới đây Chính phủ cũng đã chính thức “bật đèn xanh” cho phép các doanh nghiệp Nhà nước thuê ngoài các dịch vụ công nghệ thông tin.
Nhu cầu tăng nhanh khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ Data Center đã nhanh chóng tham gia thị trường tiềm năng này. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê Data Center ở Việt Nam đều xuất phát từ chỗ xây dựng để phục vụ nhu cầu của bản thân rồi mở rộng để cho thuê.
Theo tính toán, chi phí để xây dựng một Data Center thường từ 5.400 USD/m2 – 13.000 USD/m2 và mất từ 9 đến 18 tháng. Như vậy, việc thuê máy chủ sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 50-70% chi phí này. Không chỉ có vậy, thuê ngoài các dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí nhân lực và bảo dưỡng bảo trì.
Ông Nguyễn Hiền Khanh (bên phải), Giám đốc trung tâm dữ liệu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trao đổi với ông Patrick Senior Director, đại diện đối tác Uptime khu vực Đông Nam Á tại Lễ trao chứng chỉ. |
Rõ ràng, hiệu quả kinh tế xét về quy mô, chuyên môn và độ linh hoạt thì việc thuê ngoài dịch vụ lưu trữ dữ liệu là một lựa chọn hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp không cần phải quan tâm đến các vấn đề thời gian khấu hao, đầu tư có lãi hay công nghệ đã bị lỗi thời. Việc duy nhất doanh nghiệp cần làm là xác định chính xác tài nguyên mình cần và yêu cầu.
Chính vì những lý do như vậy khiến thị trường dịch vụ thuê và cho thuê dịch vụ Data Center đang ngày càng sôi động và bùng nổ tại Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù có khá nhiều trung tâm dữ liệu được thiết kế và vận hành theo chuẩn Uptime Tier III, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Data Center Nam Thăng Long là một trong hai trung tâm duy nhất nhận được chứng chỉ Uptime Tier III. Vì vậy, cơ hội với VNPT là rất lớn và đó cũng là cơ sở để chúng tôi có thể chơi cuộc chơi lớn về Data Center.
Nhưng đó mới chỉ là “cuộc chơi lớn” của VNPT và cuộc chơi này có “lớn” được hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu thuê ngoài của doanh nghiệp. Vậy theo ông, đâu là lý do khiến các doanh nghiệp, tổ chức quyết định thuê dịch vụ Data Center ?
Các vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu gần đây thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các doanh nghiệp ngân hàng, hàng không thường xuyên là đối tượng mục tiêu của các tội phạm công nghệ thông tin. Do đó, các doanh nghiệp dần thay đổi quan niệm, thay vì dữ liệu phải ở kề bên mình, doanh nghiệp chuyển sang quan niệm cần phải lưu trữ dữ liệu ở nơi an toàn và phải dự phòng (back up) ở nhiều địa điểm khác nhau.
Thứ nữa, theo số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2015, Việt Nam đã phải hứng chịu 31.500 vụ tấn công mạng. Các cuộc tấn công lừa đảo (phishing) tăng 4 lần và các cuộc tấn công phần mềm độc hại tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Điều đó thấy rằng an ninh mạng hiện vẫn là một vấn đề cấp thiết ở Việt Nam và các tổ chức và doanh nghiệp tại đây rất dễ trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Mối đe dọa về an ninh mạng đối với các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức báo động.
Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê Data Center, việc sở hữu chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 được đánh giá là một trong những căn cứ quan trọng về khả năng đảm bảo an toàn thông tin trong vận hành dịch vụ, đảm bảo hoạt động của hệ thống, dịch vụ luôn thông suốt và an toàn, không bị gián đoạn bởi các sự cố liên quan đến thông tin, dữ liệu.
IDC Tân Thuận và Nam Thăng Long của VNPT là các Data Center được xây dựng với quy mô diện tích sàn 10.000 m2; có các thiết bị như trạm biến áp, máy phát điện, UPS, cáp backbone... thời gian hoạt động (uptime) tối thiểu đạt 99,982%, theo tiêu chuẩn Tier 3, tiêu chuẩn đánh giá cao nhất hiện nay.
Các Data Center của VNPT cung cấp đa dạng dịch vụ bao gồm: dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ (VNPT Colocation); thuê máy chủ vật lý dùng riêng (VNPT Dedicated Server); VNPT Email; VNPT Webhosting; máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây (VNN Cloud); dịch vụ quản trị (Managed Service)… sẵn sàng đáp ứng tốt nhất nhu cầu thuê, mua dịch vụ công nghệ thông tin của các cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ ngành và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nhu cầu thuê Data Center là một xu hướng tất yếu và Data Center cũng như một ngôi nhà. Tôi nghĩ mọi người, đặc biệt là doanh nghiệp, đều muốn ngôi nhà của mình được an toàn nhất.
Thực tế, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tăng nhanh và dự báo còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đặc biệt là công nghệ cao, kéo theo đó là nhu cầu lớn về dịch vụ thuê ngoài Data Center – cơ hội này đang được VNPT nhìn nhận như thế nào?
Các chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài đang biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam được xếp trong top 10 nước hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm.
Theo báo cáo của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về công nghệ thông tin) trong năm 2014, Tp.HCM xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong tốp 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Từ năm 2012, Việt Nam đã trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu thì hiện nay Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu đang có xu hướng chọn Việt Nam là Trung Quốc + 1 để đảm bảo không bị phụ thuộc quá vào Trung Quốc. Do vậy các nước này trong thời gian vừa qua đã tiến hành và chuyển dịch một phần đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam phát triển các ngành công nghệ cao của nền kinh tế, trong đó có dịch vụ cho thuê Data Center.
IDC Nam Thăng Long của VNPT là Data Center được xây dựng với quy mô diện tích sàn 10.000 m2. |
Đến thời điểm hiện tại, VNPT đã và đang có những chuẩn bị như thế nào để đón cơ hội về thị trường dịch vụ thuê và cho thuê dịch vụ Data Center được đánh giá sẽ bùng nổ tại Việt Nam?
VNPT hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện đang cung cấp hệ thống 8 Data Center đặt tại các thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các Data Center được đầu tư xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế như chứng chỉ Uptime Tier III, chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013.
Ở đây phải kể tới việc các Data Center theo tiêu chuẩn Tier III có khả năng bảo trì đồng thời. Để đạt được yêu cầu này, hạ tầng của Data Center như trạm biến áp, máy phát điện, UPS, cáp backbone... đều phải có dự phòng ít nhất N+1, cho phép thực hiện sửa chữa, bảo trì mà không gây ra bất kì sự cố gián đoạn nào, đảm bảo Data Center được vận hành an toàn và liên tục.
Cung cấp các dịch vụ Data Center với yêu cầu cao nhất về tính bảo mật và sự ổn định của môi trường lưu trữ dữ liệu là mục tiêu mà VNPT đang nỗ lực theo đuổi. Để làm được điều đó, VNPT đã và đang đầu tư xây dựng và chuẩn hoá các Data Center theo sát các tiêu chuẩn quốc tế.
Đến nay, các đơn vị sở hữu chứng chỉ này là những Data Center của các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của các quốc gia có nền công nghệ bậc nhất thế giới.
Xin cảm ơn ông!