Chương trình không chỉ hướng đến thành công trong công tác từ thiện, mà quan trọng hơn là xây dựng giá trị nhân văn kết nối trái tim, gắn kết cộng đồng để cùng nhau sẻ chia. Nhân dịp này, ông Trần Quốc Huân, Phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã có những chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của chương trình này.
Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Công ty FrieslandCampina Việt Nam lại có ý tưởng cho chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm đầy tính nhân văn như vậy?
Tại Việt Nam, Công ty FrieslandCampina nhất quán thực hiện tầm nhìn của công ty mẹ theo đặc thù của Việt Nam. Năm 2002, Công ty đã hoàn thành xây dựng những nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp.
Ông Trần Quốc Huân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho chương trình Đèn Đom Đóm |
Đối với Việt Nam lúc đó, các nhu cầu xã hội rất nhiều và rất cấp bách, tuy nhiên FrieslandCampina Việt Nam xác định giáo dục là chiếc chìa khóa tổng của mọi vấn đề. Nhận định này hoàn toàn phù hợp với truyền thống dân tộc Việt: dù nghèo đến đâu thì việc học của con trẻ là tối thượng. FrieslandCampina Việt Nam ưu tiên đóng góp vào việc giải quyết vấn đề học sinh phổ thông bỏ học và trẻ trong độ tuổi mầm non không được đến trường.
Ngay từ lúc hình thành ý tưởng chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm, FrieslandCampina Việt Nam đã nhận thức được chăm lo cho sự nghiệp giáo dục phải là nỗ lực chung của toàn xã hội, không một tổ chức, một cá nhân nào có thể một mình giải quyết được mọi vấn đề của giáo dục. Từ nhận thức này, đoạn phim 30 giây để cổ động cho chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm đã truyền đi thông điệp: “Nếu cho là một hạnh phúc thì Cô Gái Hà Lan xin chia sẻ hạnh phúc này với cộng đồng thông qua chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm”.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn khi bắt đầu thực hiện chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm và những thành công của chương trình tính đến thời điểm này?
Ý tưởng chủ đạo của chương trình Đèn Đom Đóm đã đáp ứng đúng vấn đề của xã hội lúc đó và phù hợp với mong muốn của người Việt nên ngay lập tức, chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ, khen ngợi và góp sức của nhiều tổ chức và cá nhân. Đèn Đom Đóm từ lúc khởi xướng đến nay đã là 14 năm, liên tục trong các năm đều có những hoạt động trao tặng học bổng và xây trường nơi vùng sâu, vùng xa. Hoạt động trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp với sức sống bền bỉ đã trao 25.000 suất học bổng (khoảng 1 triệu đồng/suất), xây dựng và nâng cấp 18 ngôi trường, đây là một thành công vượt xa dự định ban đầu. Tuy nhiên hai thành công lớn nhất của chương trình Đèn Đom Đóm là:
Sự giúp đỡ đúng lúc, đúng chỗ của Đèn Đom Đóm đã góp phần thay đổi nhiều cuộc đời, nuôi dưỡng và gây dựng những tài năng cho xã hội.
Bản thân chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm cũng đã tiến hóa từ một hoạt động của nhãn hàng, trở thành một phong trào xã hội “mọi người chăm lo cho giáo dục, cho quyền được đến trường của tất cả trẻ em”.
Khó khăn tất nhiên là có, cả khách quan lẫn chủ quan. Nhưng cũng như những chương trình khác, nếu có tầm nhìn, có quyết tâm và có sự ủng hộ của cộng đồng thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Trong những năm gần đây, chương trình Đèn Đom Đóm có vẻ như không còn tiếng vang như những năm trước. Vậy công ty có kế hoạch gì để duy trì và thu hút sự chú ý của cộng đồng trong những năm tới?
Có thể nói chương trình Đèn Đom Đóm của Cô gái Hà Lan là chất men làm nở lớn chiếc bánh nhân ái của cộng đồng. Đến nay, Đèn Đom Đóm thực sự trở thành một phong trào xã hội, nhãn hàng Cô gái Hà Lan đã đưa Đèn Đom Đón vượt ra khỏi cái vỏ bọc chật chội của một hoạt động xây dựng thương hiệu và trở thành tên gọi chung của tinh thần quan tâm chăm lo cho mọi trẻ em được đến trường, được tiếp tục theo đuổi việc học cho đến lúc thành tài. Ở giai đoạn này, “tiếng vang” có ít đi, nhưng hàng triệu người biết và ghi nhận trong tim Đèn Đom Đóm là địa chỉ tin cậy để đóng góp, là câu chuyện đầy tính nhân văn lan tỏa tinh thần sống vì cộng đồng, để từ đó, uy tín của Đèn Đom Đóm càng được nhiều người biết đến.