Hội viên lên tiếng đòi quyền lợi
Xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư (Tập đoàn Rạng Đông) và một nhóm nhỏ hội viên Câu lạc bộ Golf Phan Thiết được dự báo sẽ diễn tiến căng thẳng, khi vào giữa tuần trước, nhóm hội viên này đã nhóm họp tại TP.HCM, nhằm tập hợp và thống nhất các bước hành động để bảo vệ lợi ích của mình khi sân Golf Phan Thiết chính thức đóng cửa.
Người dân vùng dự án vẫn phải chạy vòng ra biển từ khi sân golf chia cắt. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Trước đó (đầu tháng 3/2014), với lý do để tránh tình trạng thua lỗ như đã diễn ra suốt 20 năm hoạt động và cần thay đổi chiến lược kinh doanh, Rạng Đông đã phát đi thông báo tới các hội viên về việc sân Golf Phan Thiết sẽ đóng cửa vào đầu tháng 4.
Cùng với thông báo này, Tập đoàn Rạng Đông đã có động thái gửi email phiếu lấy ý kiến và đề xuất phương án giải quyết quyền lợi hội viên.
Cụ thể, Tập đoàn cho rằng, động thái chấm dứt hoạt động sân golf dẫn đến quyền lợi hội viên bị ảnh hưởng là việc ngoài ý muốn và khẳng định, chủ đầu tư sẽ giải quyết đầy trách nhiệm với hội viên. Theo đó, với thẻ hội viên danh dự, Rạng Đông sẽ “cân nhắc các mối quan hệ với từng chủ thẻ để có phương án giải quyết phù hợp”. Với “golfer” đã mua thẻ hội viên, được giải quyết theo phương án hội viên sân Golf Phan Thiết, sẽ chuyển sang chơi tại Câu lạc bộ Golf Sea Links (thuộc khu phức hợp Sea Links City, do Rạng Đông đầu tư).
Rạng Đông cũng cam kết quyền lợi hội viên Sân Golf Phan Thiết sẽ được kế thừa đầy đủ tại Golf Sea Links. Trong trường hợp hội viên đã sở hữu 2 loại thẻ Golf Sea Links và Golf Phan Thiết, thì hoặc sẽ cộng dồn thời hạn thẻ, hoặc miễn lệ phí chuyển nhượng 1 thẻ cho thành viên khác. Ngoài phương án trên, Rạng Đông cũng để ngỏ khả năng thỏa thuận với hội viên “trên tinh thần trách nhiệm thiện chí”, nhằm đảm bảo quyền lợi hội viên tốt nhất.
Không bằng lòng với phương án giải quyết chủ đầu tư, một số hội viên đã phản đối và cho rằng, Rạng Đông xem thường hội viên khi không tổ chức họp lấy ý kiến.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Đinh Ngọc Tuấn (hội viên) khẳng định, Tập đoàn Rạng Đông mua lại sân golf, thì phải tiếp tục duy trì kinh doanh sân golf, chứ không thể vừa mua, đã xin chuyển sang làm khu đô thị một cách chóng vánh như vậy.
Trở lại “cuộc tập hợp” của khoảng 30 hội viên vào tuần trước, sau gần 2 giờ tranh luận nảy lửa xung quanh việc đóng cửa sân golf, nhóm hội viên này đã đạt được thống nhất khi cử ra ban đại diện nhằm vận động các hội viên ủy quyền, đóng góp tài chính để thuê công ty luật nước ngoài nghiên cứu các khía cạnh pháp lý để theo đuổi vụ việc.
Không bằng lòng với phương án giải quyết chủ đầu tư, một số hội viên đã phản đối và cho rằng, Rạng Đông xem thường hội viên khi không tổ chức họp lấy ý kiến. |
Tại cuộc họp, ông Lê Quang Liêm (hội viên) không đồng tình việc chuyển thẻ hội viên sang sân Golf Sea Links và muốn được bồi thường giá trị thẻ hội viên khoảng 25.000 USD. Trong khi đó, ông Jeff Puchalski (hội viên) “chốt” cuộc họp bằng việc sẽ gửi văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý nêu những bức xúc và đề nghị Rạng Đông giải quyết thỏa đáng quyền lợi của họ.
Theo cảm nhận của một số người tham gia cuộc họp, mục tiêu đấu tranh của nhóm hội viên này có phần khiên cưỡng và nước đôi, khi gộp cả mục tiêu bảo vệ quan điểm giữ lại sân Golf Phan Thiết và mục tiêu đòi Rạng Đông đền bù thiệt hại khi chuyển đổi sân golf, chứ không tập trung cho riêng mục tiêu nào. Thông tin qua điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Đình Luật (cựu hội viên) xác nhận, cho tới thời điểm đầu tuần này, nhóm vẫn chưa chuẩn bị xong văn bản kiến nghị tới các cơ quan nhà nước.
Lợi ích, cần một cái nhìn tổng thể
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Rạng Đông cho biết, ông theo sát động thái đòi quyền lợi của một số ít hội viên để có cơ sở giải quyết một cách thỏa đáng và căn cơ trên tinh thần hợp tác. “Đóng cửa sân golf là việc bất đắc dĩ, vì nhà đầu tư không thể chấp nhận tình cảnh kinh doanh lỗ tiếp tục tái diễn”, ông Đông nói.
Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi hội viên, ông cho biết, Câu lạc bộ Golf Phan Thiết có gần 189 thành viên, thì gần một nửa trong tổng số đó đã không còn chơi ở sân Golf Phan Thiết (Tập đoàn không thể liên hệ được). Số hội viên còn lại đã có 50 người chấp thuận chuyển sang sân Golf Sea Links chơi hoặc nhận tiền đền bù.
Xung quanh dư luận về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã tiến hành các bước đi thận trọng, soi xét nhiều chiều.
“UBND tỉnh không thể quyết định được, vì sân Golf Phan Thiết nằm trong hệ thống sân golf đã được Chính phủ quy hoạch, muốn chuyển đổi, cần sự đồng ý của Chính phủ. Sau khi Chính phủ đồng ý việc chuyển đổi, quá trình quy hoạch chi tiết khu đô thị mới tính tới cân bằng lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội, lợi ích nhà đầu tư”, ông Phương nói và cho biết, UBND tỉnh không phủ nhận vai trò lịch sử nhất định của sân golf đối với sự phát triển của TP. Phan Thiết trước đây, song hiện tại, việc sân golf tiếp tục tồn tại đang mang tới nhiều bất cập.
Dự kiến trong tháng này, chủ trương chuyển đổi sân golf mới được đặt lên bàn nghị sự của Tỉnh ủy Bình Thuận. Nếu được cấp lãnh đạo này thông qua, UBND tỉnh Bình thuận sẽ lập báo cáo trình Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan xin ý kiến.
Liên tục thua lỗ, Sân golf Phan Thiết muốn hóa kiếp KĐT (Baodautu.vn) UBND tỉnh Bình Thuận vừa thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Dự án Ocean Dunces Golf Club (Sân golf Phan Thiết) sang đất ở đô thị. |
Ngọc Tuấn