Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhu cầu của chính doanh nghiệp
Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh (bên phải) và ông Trần Anh Vương (bên trái). |
Câu hỏi đang thu hút sự quân tâm của cả doanh nghiệp và các chuyên gia tại Tọa đàm “Chuyển đổi số - Thay đổi để thích ứng và phục hồi” là bắt đầu từ đâu và như thế nào.
Tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức ngay trước thềm Lễ trao giải Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021, nên thu hút chính những doanh nhân trẻ đang bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tỏ rõ sự bối rối khi được đề nghị chia sẻ về kế hoạch chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, chuyên gia về chuyển đổi số, Cố vấn Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ những băn khoăn này.
“Nếu ví chuyển đổi số là ngọn núi, doanh nghiệp phải tự leo lên chứ không ai làm hộ. Nhưng các bạn có thể cần hướng dẫn viên phù hợp để cung cấp kiến thức về địa hình công nghệ số, tìm tuyến đường tốt nhất, thực hiện hầu hết các công việc nặng nhọc...”, ông Francis Tuấn Anh nói.
Cụ thể, theo tư vấn của ông Tuấn Anh, các doanh nghiệp bắt đầu từ những phần việc đơn giản, trực tiếp nhất, như chuyển từ làm trực tiếp toàn thời gian sang có thể vận hành gián tiếp, thực hiện theo cách chuyển đổi dần, thay vì làm gián đoạn...
“Không nên chọn thứ quá to tát không làm nổi, ví dụ như tự sáng tạo ra tất cả. Có thể thuê ngoài, tìm kiếm, mua những sản phẩm đã có phù hợp với mình. Quan trọng là xác định con người thực hiện. Trong chuyển đổi số, con người chứ không phải công nghệ có ý nghĩa quyết định”, ông Francis Tuấn Anh nói.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lưu tâm đến cách đi nhanh hơn trong chuyển đổi số, đó là phát triển sản phẩm mới gắn chặt với công nghệ số. Mỗi sản phẩm mới, bao gồm cả sản phẩm truyền thống bảo thủ nhất cũng sẽ có một khía cạnh có thể chuyển đổi số, như trong việc bán hàng và tiếp thị...
Cơ hội để phát triển nhanh hơn
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (ngồi giữa). |
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhắc đến yêu cầu thích nghi của doanh nghiệp sau những tác động vô cùng lớn của Covid-19 và những thay đổi cung - cầu, hành vi tiêu dùng trên toàn cầu.
Có thể nói, đại dịch đã thúc đẩy doanh nghiệp định hình lại “mô hình hoạt động”, đẩy nhanh xu hướng số hóa và sử dụng nền tảng trực tuyến nhiều hơn. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đã chuyển dần và “thích nghi” từ trực tiếp sang trực tuyến: họp online, làm việc online, mua, bán online…. Những thay đổi này đang được các doanh nghiệp đẩy nhanh hơn với cường độ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn với điều kiện bình thường mới.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp với mô hình thanh - gọn sẽ phục hồi và phát triển nhanh hơn nếu chủ động động thay đổi, áp dụng chuyển đổi số vào quản lý và điều hành doanh nghiệp”, ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, sau dịch bệnh, các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm, đánh giá lại nhu cầu của chính mình, để có bước đi phù hợp.
Ông Francis Tuấn Anh đang thấy cơ hội thay đổi lớn của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vào thời điểm này.
“Đang có những thay đổi về tư duy của khách hàng đầu cuối, nếu các doanh nghiệp khai thác được, sẽ có nhiều sản phẩm mới xuất hiện. Ví dụ, Bảo tàng Louvre (Pháp) đã đưa toàn bộ sưu tập nghệ thuật của mình lên mạng.
“Các sản phẩm du lịch sẽ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trực tiếp, gián tiếp... Sẽ có những sản phẩm giới thiệu du lịch qua mạng, từ đó kích thích nhu cầu thăm quan trực tiếp của khách... Đó là một ví dụ đơn giản nhất để doanh nghiệp du lịch bắt đầu chuyển đổi số”, ông Tuấn Anh đề xuất.
Nhưng trên hết, ông Francis Tuấn Anh đã nhắc đến những tình huống được cho là sai lầm trong thực hiện chuyển đổi số. Đó là việc làm vì phong trào, không tính toán đến chi phí, hiệu quả; làm để truyền thông hình ảnh và không có sự truyền thông nội bộ tốt giữa các các đơn vị chuyên môn và bộ phận thực hiện đổi mới, sáng tạo...
Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BVG chia sẻ cách làm này vì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thường lo ngại không đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số. Trong yếu tố con người, việc quyết định thực hiện là tư duy của lãnh đạo, nhưng việc chuẩn bị tâm lý cho người lao động cũng có ý nghĩa rất lớn.
“Người lao động có tâm lý lo ngại khi áp dụng các cách làm mới, áp dụng công nghệ thông tin... vì họ sợ bị đo lường, họ lo bị lộ các điểm yếu... Nhưng trên hết, nhiều người lo bị mất việc, bị thất nghiệp. Tôi đã chia sẻ với người lao động của mình rằng, không có đơn hàng thì mới thất nghiệp, nên doanh nghiệp phải thay đổi để có đơn hàng. Người lao động muốn không thất nghiệp cũng phải thay đổi, phải tự đào tạo. Công ty sẽ hỗ trợ việc đào tạo để thích ứng”, ông Vương nói.