TS. Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight |
Tối qua (16/3), NHNN giảm một loạt lãi suất điều hành, chính thức có hiệu lực từ hôm nay. Theo đó, các lãi suất như tái cấp vốn, lãi suất vay qua đêm giảm 1%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%. Tuy nhiên, các lãi suất cơ bản chỉ giảm nhẹ: trần lãi suất huy động giảm 0,25-0,3%/năm, trần lãi vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%.
Theo TS. Bùi Quang Tín, lần điều chỉnh lãi suất này của NHNN là nhanh chóng, phù hợp với động thái điều chỉnh lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới. Trước đó, sáng 16/3 giờ Việt Nam, Fed giảm lãi suất 1 điểm phần trăm, đưa mặt bằng lãi suất USD xuống còn 0-0,25%/năm. Việc NHNN giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn.
“Có thể nói, mức độ giảm lãi suất lần này của NHNN khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá… Cụ thể, 2 tháng đầu năm, lạm phát bình quân tăng 5,91%, là cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với mức độ lạm phát, tỷ giá hiện nay cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác”, ông Tín nói.
Mặc dù đánh giá hạ lãi suất sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp, song TS. Bùi Quang Tín cho rằng, sự tác động này mang tính trung, dài hạn. Cụ thể, giảm lãi suất điều hành chỉ tác động tới các khoản vay mới. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu, do kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngồi im chờ cơ hội, đặc biệt là chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong… Đối với các hợp đồng vay cũ, doanh nghiệp khó lòng được ngân hàng hỗ trợ nếu không chứng minh được bị thiệt hại nặng nề bởi Covid 19.
Mặt bằng suất huy động đã bắt đầu giảm nhẹ, song chuyên gia này cho rằng, tiền gửi vẫn là một trong những kênh đầu tư tối ưu nhất hiện nay.
“Đổ tiền vào chứng khoán thời điểm này rủi ro rất lớn, nhà đầu tư vẫn cần đợi thêm xu hướng. Kênh đầu tư bất động sản thanh khoản kém, lãi suất cho vay bất động sản vẫn cao. Thị trường hàng hóa và đầu tư khác thì có tới 70% đang cố gắng cầm cự qua đại dịch lần này. Cho nên, lãi suất tiết kiệm - nếu lãi suất vẫn cao hơn lạm phát kỳ vọng 4% năm nay- thì vẫn đang tạo ra mức lợi tức nhất định cho người dân. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dài phổ biến 7-8%/năm, nếu trừ đi lạm phát 4% thì người dân vẫn có lợi. Kể cả lãi suất kỳ hạn 1 tháng đén dưới 6 tháng giảm còn 4,75% thì người dân vẫn có khoản dư nhất định. Nói cách khác, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả thời điểm này”, TS. Bùi Quang Tín cho biết.