Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) |
Hôm nay, ngày 1/1/2022, Hiệp định thương mại đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) chờ đợi những cơ hội được khai thác dài hạn, tạo nên sự cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hơn là các khoản lợi nhuận từ việc giảm giá, giảm chi phí do giảm thuế suất....
Thưa ông, RCEP có hiệu lực vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu các kế hoạch phục hồi sau tác động của Covid-19. Suy nghĩ của ông về điểm khởi đầu này?
Không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa, nhất là thị trường bên ngoài trong quá trình phục hồi sau 2 năm Covid-19 hành hoành.
Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng vì lý do đó, các nền kinh tế, các chính phủ tìm nhiều phương thức hợp tác, các hiệp định thương mại tự do, các cam kết với nhiều hình thức trong nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực mới như xanh, chuyển đổi số... mở với tư duy mở. Nghĩa là các sáng kiến, cách làm để mở rộng thị trường, mở rộng nhu cầu hợp tác đang rất đa dạng.
Việt Nam có quá trình tương đối dài tìm kiếm ý tưởng phục hồi và phát triển kinh tế. Những cân nhắc của Việt Nam khá rộng, bao gồm có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã trình và Quốc hội sẽ xem xét trong kỳ họp bất thường sẽ khai mạc vào ngày 4/1/2021.
Có thể thấy một sự nhất quán trong các cơ hội, kế hoạch phục hồi là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng với RCEP, những tác động tới kinh tế Việt Nam không phải giờ mới cân nhắc, mà đã được đánh giá từ năm 2013-2014, khi mới đàm phán gia nhập RCEP.
Đến thời điểm này, dù còn nhiều đánh giá khác nhau về tác động, nhưng đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP và quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch. Trong khu vực, Trung Quốc và ASEAN đều cho thấy điều này.
Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại thế hề mới (là CPTPP và EVFTA) với những cam kết và ràng buộc cao hơn so với RCEP, vì vậy, về lý thuyết, nếu Việt Nam chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết thì Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và nhiều lợi thế khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cả RCEP.
Có một điểm tôi muốn chia sẻ trong quá trình thực hiện RCEP, là khác với CPTPP và EVFTA, quá trình thảo luận mở và thẳng thắn với các tác động tiêu cực của RCEP. Ví dụ như khả năng nhập siêu và khả năng đảm bảo độc lập tự chủ của nền kinh tế . Chính các động thái này sẽ cho chúng ta thấy những vấn đề chính sách cần hoàn thiện, nâng cao trong năng lực thể chế, năng lực doanh nghiệp.
Điều doanh nghiệp quan tâm là những cơ hội từ cắt giảm thuế quan mỗi khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực?
Điều này tất yếu, nhưng vấn đề là cách ứng xử với cạnh tranh khi tận dụng cơ hội này. Khi tôi chia sẻ với doanh nghiệp, mối quan tâm thường là lợi ích về giá bán sau khi thuế suất giảm và sức cạnh tranh về giá sẽ tăng lên.
Nhưng chúng tôi khuyến nghị, cách tính toán, nhìn nhận như vậy chưa có lợi trong phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Ví dụ, một mặt hàng đang có mức thuế suất là 10%, được giảm về 0%. Doanh nghiệp thường có hai lựa chọn. Một là giảm giá bán một chút và giữ nguyên chất lượng. Hai là giữ nguyên giá và giữ nguyên chất lượng. Lợi ít trước mắt từ cách ứng xử này rất rõ.
Nhưng nếu doanh nghiệp dùng phần lợi nhuận thu được từ việc giảm thuế suất đầu tư vào nâng cao chất lượng, để từ đó có thể bán hàng với mức giá cao hơn, gia nhập phân khúc giá trị cao hơn, thì đó là tác động lớn hơn mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn khi đàm phán giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu trong các hiệp định thương mại tự do.
Cũng phải nói thêm, xu hướng tiêu dùng, đòi hỏi của các thị trường lớn đang ngặt nghèo hơn về các yêu cầu chất lượng, yêu cầu xanh hơn, tính nhân văn cao hơn... nên nếu cứ chăm chăm chỉ thấy lợi ích nhờ bán được giá cũ thì về dài hạn, cơ hội sẽ mất đi.
Nghĩa là các doanh nghiệp cần một chiến lược dài hạn trong tiếp cận và thực thi các cam kết FTA?
Đúng vậy. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có thể có những hưởng lợi ngay. Nhưng cần giữ được cốt cách khi tham gia vào thị trường với nhiều cơ hội và thách thức.
Chúng ta còn nhớ, khi Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) có hiệu lực vào cuối năm 2001, nhiều doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, phát triển rất nhanh. Nhưng nhìn lại, số doanh nghiệp còn lại, phát triển mạnh lên thành các thương hiệu lớn không nhiều. Nhiều doanh nghiệp đình đám những năm đó không giữ được năng lực cạnh tranh, không giữ được thương hiệu, chưa kể những vấn đề phát sinh khi đầu tư nóng vào bất động sản...
Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ tìm kiếm, khai thác cơ hội gia tăng hàm lượng công nghệ, gia tăng các liên kết với các thị trường lớn.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là quá trình xây dựng năng lực nếu muốn tham gia thị trường xuất khẩu. Có thế bắt đầu tiếp cận các cam kết dễ thực hiện, như các cam kết trong khu vực ASEAN, cam kết với Hàn Quốc rồi tới RCEP...
Việc thực hiện các FTA cũng cần được các doanh nghiệp nghiên cứu để có sự hài hòa. Với các doanh nghiệp đã tiếp cận CTTPP hay EVFTA, thì việc đáp ứng yêu cầu của RCEP là đơn giản. Còn các doanh nghiệp mới tiếp cận được RCEP hay các cam kết đơn giản hơn, thì nên khai thác cơ hội hiện tại song song với đầu tư chất lượng, thương hiệu để hướng tới tiêu chuẩn cao hơn. Quá trình này sẽ tích lũy năng lực, thương hiệu, công nghệ để có bước đi dài hạn tới các thị trường khó tính, các thị trường lớn hơn và đó là hướng đi dài hạn.
Vai trò của các cơ quan nhà nước trong quá trình này thế nào, thưa ông?
Tôi muốn nhắc đến câu chuyện ứng xử với FDI trong bối cảnh nhiều dự báo nói về sự chuyển dịch của dòng vốn.
Để tăng cường thu hút FDI thế hệ mới, việc tham gia RCEP chỉ là điều kiện cần, còn đủ là Việt Na cần cải thiện sâu sắc hơn năng lực bên trong, từ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng...
Nhưng, điều cần chú ý là yêu cầu nhiều, đa dạng, nhưng bản thân RCEP, cũng giống CPTPP và EVFTA có chương về hỗ trợ kỹ thuật. Việc Nam có thể tiếp cận các hỗ trợ để cải thiện năng lực của mình .
Hai là các thông tin, các vấn đề cần được xử lý và chuẩn bị sớm từ cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Lấy ví dụ về Lệnh 248 của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc về Quản lý và đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc có hiệu lực vào 1/1/2021, thông tin đã được ban hành tứ cuối tháng 4/2021, nhưng mãi đến tháng 9/2021 vấn đề này mới được đặt ra bàn thảo giữa các doanh nghiệp và đến tháng 11/2021 mới bắt đầu làm thủ tục...
Nếu làm sớm, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã có điều kiện trao đổi với đối tác, tham khảo nhiều kênh thông tin, thì hiệu quả tốt hơn, chứ không đợi nước đến chân thì khó...
Với các cam kết trong RCEP hay FTA khác cũng vậy, chủ động thực hiện thay vì đợi đến lúc bắt phải thực thi thì hiệu quả sẽ khác.