Ngân hàng
Chuyên gia: Giá vàng SJC tăng kỷ lục từ đầu năm do khan nguồn cung
Thùy Liên - 10/10/2023 10:44
Giá vàng SJC bán ra sáng nay gần chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ đầu năm đến nay bất chấp giá vàng thế giới đã rớt từ ngưỡng hơn 2.000 USD/oz hồi tháng 4, tháng 5/2023 xuống còn hơn 1.860 USD/oz như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN

Sau khi tăng vọt hơn nửa triệu đồng mỗi lượng phiên hôm qua, giá vàng SJC sáng nay (10/10) tiếp tục nhích nhẹ. Tại thời điểm 10h sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết từ 69- 69,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên qua. Cùng thời điểm, Tập đoàn Doji à Nội thông báo giá mua và bán vàng SJC từ 68,85-69,75triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Chênh lệch với giá vàng trong nước lên tới 14,4 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng trong nước đang ở mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay, bất chấp giá vàng thế giới đã rớt từ mức trên 2.000 USD/oz hồi tháng 4, tháng 5/2023 xuống còn 1.620 USD/oz như hiện nay.

Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, sở dĩ giá vàng SJC tăng giá mạnh là do nhiều năm nay vàng SJC không còn được sản xuất nữa khiến nguồn cung tăng giá. Việc vàng SJC cao hơn vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng không phản ánh đúng chiều hướng giá vàng thế giới, vốn theo chiều hướng giảm từ tháng 5/2023 đến nay.

Theo chuyên gia này, tỷ giá thời gian qua tăng ảnh hưởng đến giá vàng, song biến động của tỷ giá không quá lớn, nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC cao kỷ lục từ đầu năm đến nay là do yếu tố tâm lý.

Về xu hướng vàng thế giới, theo ông Huỳnh Trung Khánh, nhiều khả năng giá vàng thế giới sẽ lấy lại mốc 1.900-2.000 USD/oz do nhu cầu vàng tăng cao phục vụ nhu cầu mua sắm, lễ hội trong quý IV/2023. Điều này có thể đẩy giá vàng trong nước tiếp tục đi lên.

Theo dữ liệu thống kê, lượng tiêu thụ vàng nước ta bình quân là 50-60 tấn/năm. Trong hai năm covid (2020-2021), lượng tiêu thụ vàng có giảm xuống và phục hồi trở lại năm 2022. Tuy vậy, lượng tiêu thụ vàng năm nay (2023) dự báo sẽ giảm 10-20% do nền kinh tế khó khăn.

Trong hai ngày đầu tuần này, giá vàng được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn khi cuộc xung đột Israel - Palestine leo thang làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, với việc các nhà đầu tư đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã được hưởng lợi ít nhất trong ngắn hạn từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Mặc dù vậy, Staunovo nói thêm rằng, lãi suất của Mỹ sẽ vẫn là lực cản đối với vàng. Theo ông, để vàng tăng một cách vững chức, thị trường cần phải thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tỏ ra ôn hòa hơn trong suốt năm 2024.

Báo cáo lạm phát nóng vào cuối tuần này được dự báo có thể mở đường cho một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ trong năm nay và điều đó có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào biên bản cuộc họp tháng 9 của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ được công bố vào thứ 4.

Tuy nhiên không ít chuyên gia đặt câu hỏi rằng dòng chảy trú ẩn an toàn này sẽ kéo dài bao lâu nếu tình hình địa chính trị thay đổi và thị trường đón nhận những dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến.

Trong 1 báo cáo mới đây, Ole Hansen, chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, không tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh bất ổn gia tăng.

Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch hiện đang định giá khoảng 28% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần nữa trong năm nay. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.

Tin liên quan
Tin khác