Đầu tư
Chuyên gia lên tiếng về “sóng” đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
T.L - 15/07/2017 08:31
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh làn sóng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

TSKH. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT:  

Cần tránh trục lợi chính sách ưu đãi

Phát triển NNCNC là hướng đi chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên Phát triển NNCNC là hướng phát triển mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và đây là rủi ro kép, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, biến đổi khí hậu đang diễn ra khắc nghiệt, hơn nữa vốn đầu tư cho phát triển NNCNC lại rất lớn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội NN&PTNT

Trong vài năm lại đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, ngân hàng, quỹ đầu tư… đã và đang chuyển dịch vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp. Từ đó tiềm ẩn có nguy cơ chuyển đổi sang sản xuất NNCNC không thực chất mang tính “phong trào”. Chúng ta cần chủ động hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển NNCNC ngay từ đầu.

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang có kế hoạch xây dựng các khu NNCNC. Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng, tính toán lộ trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại một cách hợp lý, có kế hoạch. Nếu không “phong trào” này sẽ dẫn đến tình trạng các địa phương cùng làm nhiều khu NNCNC rồi bỏ trống vì “vắng” các dự án đầu tư.

Như chúng ta đã biết, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy NNCNC là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp.

Sản xuất NNCNC cũng cần những lời giải đáp thấu đáo về vấn đề tích tụ đất đai, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, lợi ích trước mắt và lâu dài của người nông dân. Việc Chính phủ có nhiều ưu đãi với NNCNC có thể sẽ gây hệ lụy là sự lợi dụng ưu đãi, như ưu đãi về sử dụng đất, ưu đãi lãi suất tín dụng.  

TSKH. Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam:

Cần chuẩn để tránh gắn mác hữu cơ vô tội vạ

Trên thế giới hiện có 172 quốc gia áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 43,7 triệu hecta, trong đó, có 87 quốc gia đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm hữu cơ.  Tại Việt Nam, dù nhu cầu về sản phẩm hữu cơ rất lớn và được coi là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ và gặp rất nhiều khó khăn. Cả nước mới chỉ có 30/63 tỉnh thành triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với khoảng một trăm cơ sở sản xuất.

Về mô hình, hiện nay, cả nước mới chỉ có các mô hình sản xuất hữu cơ như mô hình doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, trang trại và nhóm hộ nông dân. Chưa thật sự có các cơ quan chứng nhận đảm bảo minh bạch, đúng theo các nguyên tắc sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ, có hiện tượng tự gắn nhãn mác “hữu cơ”.

Việc không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá, công nhận sản xuất hữu cơ cũng như hoạt động của các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó phân biệt, có thể đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Do đó, vấn đề tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất hữu cơ là trách nhiệm hàng đầu, cần phải được ưu tiên xây dụng thành cơ chế chính sách thực tế, vì nếu không giải quyết được vấn đề này việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ không có cơ sở để quản lý, giám sát chứng nhận sản phẩm hữu cơ.  

ThSKH. Ngô Tiến Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng CNC trong nông nghiệp (ATE):

Tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó

Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp coogn nghệ cao. Tuy nhiên việc tiếp cận từ phía các doanh nghiệp và giải ngân từ phía các ngân hàng thương mại đối với gói tín dụng này vẫn là một bài toán khó.

Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng CNC trong nông nghiệp

Với lãi suất dự kiến thấp hơn từ 0.5-1.5% so với lãi suất vay thương mại sẽ không khuyến khích được các doanh nghiêp đầu tư vào nông nghiệp. Do vậy việc đề xuất lãi suất dự kiến tương đương với lãi suất huy động vốn dài hạn của ngân hàng (hoặc cao hơn 0.5%) cho gói tín dụng này cần được chính phủ và ngân hàng nhà nước xem xét. 

Quan điểm về việc Nông nghiệp công nghệ cao không hấp dẫn đối với của các ngân hàng thương mại vì đây là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài,... do vậy Chính phủ cần có những biện pháp thích hợp cả về cơ chế, chính sách … để các doanh nghiệp có thể tiếp cận những gói tín dụng ưu đãi.

Hiện nay các quy trình công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, con giống... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ông Wolfgang Friess – TGĐ Công ty CP Chuỗi Thực phẩm TH – Tập đoàn TH:

Chúng tôi đang mở rộng sản xuất rau hữu cơ

TH hiện nay tiếp tục ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất hữu cơ, chúng tôi có nhận định Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới, sâu bệnh rất nhiều, các chuyên gia và công nhân của chúng tôi tỷ mỷ trên từng cánh đồng, từng chuồng nuôi để có được những sản phẩm tươi lành với con người, thân thiện với môi trường.

Hiện Tập đoàn TH là đơn vị tiên phong khởi xướng triển khai thực hiện sản xuất sữa hữu cơ với sự giám sát, đánh giá của Control Union. Cho đến nay, chúng tôi đã được tổ chức này đánh giá rất cao về sự tuân thủ tiêu chuẩn Organic và là đơn vị đầu tiên và duy nhất có đàn bò hữu cơ chuyển đổi tại Việt Nam.

Ông Wolfgang Friess – TGĐ Công ty CP Chuỗi Thực phẩm TH 

Cùng với sản xuất sữa hữu cơ, chúng tôi cũng đã giới thiệu ra thị trường các loại rau củ hữu cơ mang thương hiệu FVF và Sản phẩm dược liệu/nước uống dược liệu hữu cơ mang thương hiệu TH herbals:

Hiện tại, TH đã khởi công Dự án rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ở Thái Bình, trong tương lai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cung cấp nhiều loại hoa qua đặc sản của Việt Nam và cung cấp lúa gạo sạch, hữu cơ cho thị trường trong nước và quốc tế

Trong dài hạn, tập đoàn TH sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao cùng với các chuyên gia quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand…) nghiên cứu triển khai dự án theo 10 nhóm sản phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa kết hợp với các cây thảo dược Việt Nam; Nhóm Dược liệu quý hiếm Việt Nam như Lan Thạch Hộc (trồng tại Hà Giang, Yên Bái…); Chè và các sản phẩm từ chè theo các phong cách Cung Đình Việt Nam và Nhật Bản; Các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng được đánh giá cao hơn gạo Nhật (như gạo Nang Oi-Mường Lống, nếp Rồng-Đô Lương, Nghệ An); Lạc; Vừng; Nhãn lồng Hưng Yên; Sầu riêng; Bơ; Cam.  

Tin liên quan
Tin khác