GDP giảm sâu còn tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục đang gia tăng áp lực lên chính quyền Mỹ khi đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Ảnh: AFP |
Hai tuần cuối tháng 3 ghi nhận các hoạt động kinh tế của Mỹ suy giảm nghiêm trọng khi hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp. Báo cáo nhanh về GDP quý I/2020 của Bộ Thương mại Mỹ dự kiến công bố ngày 29/4 (giờ Mỹ) sẽ củng cố nhận định của giới phân tích rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
“Nền kinh tế Mỹ đang rơi tự do, nó có thể dẫn tới điều gì đó còn tệ hơn cả suy thoái”, giáo sư kinh tế Sung Won Sohn tại Đại học Loyola Marymount (Mỹ) đánh giá. “Còn quá sớm để nói về sự phục hồi của kinh tế Mỹ và chúng ta sẽ thấy rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản”, GS. Sohn nói thêm.
Kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế gần đây của Reuters cho thấy, GDP quý I/2020 của Mỹ có thể giảm tới 4% so với cùng kỳ năm trước do chi tiêu tiêu dùng và lượng hàng hóa của doanh nghiệp đều giảm mạnh. Các chuyên gia này cho rằng, kinh tế Mỹ đã hứng chịu đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ quý I/2009 mà một trong những nguyên nhân quan trọng được nêu ra là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong quý I/2020 giảm sâu do dịch bệnh.
Các chuyên gia được Reuters khảo sát ước tính GDP Mỹ có thể giảm sâu nhất tới 15%. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là mức giảm kỷ lục của chỉ số này.
Còn Kwok Ping Tsang, PGS kinh tế tại Đại học Công nghệ Virginia ước tính GDP Mỹ “bay hơi” gần 1.200 tỷ USD trong gần 1 tháng phong tỏa từ ngày 19/3-15/4, đồng nghĩa với mức giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nhà máy và doanh nghiệp tại Mỹ không trong diện cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đều phải đóng cửa theo lệnh phong tỏa hoặc là hoạt động với công suất thấp nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan.
GDP sụt giảm cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục đang tạo áp lực lớn lên chính quyền các bang khi nỗ lực hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Đây cũng là phiền toái cho chính quyền Washington và cá nhân Tổng thống Donald Trump khi vấp phải những chỉ trích rằng Nhà Trắng ban đầu đã phản ứng chậm trong công tác đối phó đại dịch.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đến nay có hơn 1 triệu ca mắc Covid-19. “Đây là cú sốc rất nghiêm trọng và chúng tôi cần phải nghiêm túc đối phó”, Kevin Hassett, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump bình luận hôm 28/4 đánh giá. Nó là cú sốc lớn nhất đối với kinh tế Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái, ông Hassett khẳng định.
Đối phó đại dịch, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn gói tài khóa khổng lồ trị giá 3.000 tỷ USD để giảm đau cho nền kinh tế trước cú sốc đại dịch, còn Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất xuống gần về 0 và nới rộng định lượng cho các ngân hàng. Tuy vậy, các nhà kinh tế vẫn nhìn nhận, những biện pháp này đều chưa thỏa đáng.
Họ không cho rằng việc các bang mở kích hoạt lại hoạt động kinh tế có thể sớm đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng như trước đại dịch. Con đường hồi phục bình thường của nền kinh tế Mỹ sẽ mất vài năm, khi mà GDP quý II/2020 vẫn tiếp tục giảm sâu, các chuyên gia lập luận.