Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu. |
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã yêu cầu NHNN điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, vào tháng 7, để hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đạt mục tiêu đề ra cho năm nay, NHNN đã có quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm.
Đồng thời, nhằm hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, NHNN cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN, tạo điều kiện cho các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất.
Trên thực tế, tính chung từ đầu năm các ngân hàng đã nỗ lực tiết kiệm chi phí bên cạnh điều chỉnh lãi suất huy động để giảm lãi suất đầu ra. Hiện tại lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5-1%/năm so với đầu năm, xuống mức phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Theo đánh giá đây là mức lãi suất thấp nhất trong những năm gần đây.
Trước những băn khoăn liệu việc giảm thêm lãi suất có khả thi, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Không có gì là không làm được nếu có ý chí làm điều đó, việc giảm lãi suất nếu Chính phủ muốn, NHNN muốn và có sự hợp tác của các ngân hàng thương mại thì sẽ làm được”.
Để đạt được mục tiêu nhưng vẫn tối thiểu hóa tác động tiêu cực đến nền kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc đầu tiên NHNN phải làm tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại được hưởng chi phí vốn thấp hơn.
Bên cạnh đó, để kiểm soát lạm phát NHNN cần sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ như bơm-hút thị trường mở. Công cụ dự trữ bắt buộc cũng có thể phải được sử dụng, tăng tỉ lệ này lên để có thể điều hòa được vốn lưu động trên thị trường liên ngân hàng.
Về phía các ngân hàng để phần lợi nhuận không bị ảnh hưởng khi giảm lãi suất thì cần phải giảm thêm chi phí. Đối với chi phí dự phòng rủi ro, nếu từ nay đến cuối năm ngân hàng quản lý được rủi ro tốt thì có thể tránh được những trường hợp nợ đang ở nhóm nợ đủ tiêu chuẩn chuyển sang nhóm 2 và 3, giảm thiểu được chi phí dự phòng rủi ro.
Thêm một tín hiệu đáng mừng, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể dời lại việc tăng lãi suất USD sang đầu năm tới do tại thời điểm này nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, kiềm chế lạm phát tốt. Mặt bằng lãi suất USD giữ ổn định sẽ giúp cho việc giảm lãi suất tiền đồng thuận lợi hơn.
“Mỹ ko tăng lãi suất thì mình cũng không bắt buộc phải tăng lãi suất huy động, do không phải lo ngại một sự chuyển dich ngoại tệ từ Việt Nam sang thị trường của Mỹ để hưởng lãi suất cao hơn”, ông Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang duy trì tốt hoạt động mậu dịch với các nước trên thế giới nhất là các nước ASEAN và trong khu vực châu Á. Kim ngạch xuất khẩu tăng đem lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho Việt Nam là điều kiện để tiếp tục ổn định tỷ giá-một trong những yếu tố tác động nên lãi suất. Một khi tỷ giá không ổn định thì lãi suất tiền đồng phải tăng để duy trì lượng vốn tiền đồng tại hệ thống ngân hàng.
“Tất cả những yếu tố này cộng lại khiến cho tôi có niềm tin dù khó lãi suất vẫn có thể giảm được theo chủ trương của Chính phủ”, vị chuyên gia nhận định.