Để xuất khẩu nông sản bền vững sang Anh, doanh nghiệp cần thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ đầu năm nay đang tạo cơ hội tốt cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Anh, đặc biệt là nhóm hàng nông thủy sản.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khi tiếp cận thị trường Anh, dù nhu cầu tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại Anh đang tăng cao, như gạo, trái cây, cà phê, thủy sản. Tại Hội thảo tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh do Cục Xúc tiến Thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức, các chuyên gia đã "mách nước" nhiều giải pháp cho doanh nghiệp tìm cách đưa hàng Việt tăng xuất khẩu sang Anh.
Đánh giá về thị trường Anh, ông John Gavin, Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ thương mại Đông Nam Á (UK) cho biết, Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu, có chính sách thương mại tự do và có nhu cầu nhập khẩu nông phẩm lớn. Đặc điểm của thị trường này là các sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phù hợp để thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài tại Anh và khẩng định khả năng cạnh tranh bởi chất lượng sản phẩm cung cấp.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại tại Anh nhận định: “Hiệp định thương mại tự do UKVFTA được Chính phủ hai nước ký kết kịp thời vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Trong khi đó, nhu cầu tìm những nguồn cung ứng ngoài EU sau Anh rời EU của các doanh nghiệp Anh đã thúc đẩy doanh nghiệp nước này tăng trao đổi, hợp tác thương mại với doanh nghiệp Việt Nam..
Ông Cường khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội thị trường khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp thực hành sản xuất theo Global GAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường cao cấp.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Huy, đại diện Tập đoàn Eurofins Assurance Việt Nam cũng cho rằng Global GAP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và vươn ra biển lớn.
Trả lời nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp về nhu cầu và thị hiếu thị trường đối với cà phê, trà, gia vị, trái cây, các loai ống hút thân thiện với môi trường (ống hút tre, ống hút cỏ, ống hút làm bằng gỗ, ống hút chế biến từ gạo), ông Cường và ông Gavin có cùng nhận định: Các sản phẩm Việt Nam này rất có tiềm năng nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều người Anh. Do đó, doanh nghiệp Việt phải xây dựng được niềm tin đối với người mua hàng Anh trước khi bán được hàng.
Bà Anh Đào Carrick, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Anh cho biết Cộng đồng người Việt Nam tại Anh sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi đi siêu thị. Bà Đào cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường, tư vấn chiến lược marketing và tiếp cận các công ty nhập khẩu hàng tiêu dùng Anh.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, sắp tới đơn vị này sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Anh để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tiếp cận thị trường Anh.
"Ngay trong tháng 9, (dự kiến ngày 28/9) này, chúng tôi sẽ tổ chức Chương trình quảng bá đặc sản nhiệt đới từ Việt Nam tại Luân Đôn, các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận thị trường Anh hãy nhanh chóng gửi hàng mẫu, tài liệu quảng bá sản phẩm cho Cục Xúc tiến Thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh để giới thiệu sản phẩm", bà Thủy lưu ý.
8 tháng 2021, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 4 tỷ USD sang Anh, tăng trưởng gần 27% so với cùng kỳ nâm ngoái. Kết quả tăng trưởng này có được là nhờ UKVFTA đã đi vào thực thi được tròn 8 tháng, nhưng ở bình diện chung, hàng Việt mới chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm trên 700 tỷ USD của Anh.