Lạ từ xây dựng dự án
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, đây là dự án rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Bởi hiện nay, TP.HCM đang đối mặt với việc ngập úng ngập, ảnh hưởng do triều cường bởi tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự án triển khai trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Khi hoàn thành dự án sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đang bị dừng thi công dù đã quá thời gian phải hoàn thiện. Ảnh: Gia Huy |
Dự án có vai trò quan trọng như vậy, song mới đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Trungnam BT 1547) - chủ đầu tư dự án cho biết, Dự án đã hoàn thành 72% khối lượng và tạm dừng thi công từ ngày 27/4/2018 đến nay.
Một nguyên nhân tạm dừng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân do UBND TP.HCM chưa ký xác nhận đầy đủ các kỳ báo cáo thanh toán giải ngân của Dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Đến tháng 8/2018, UBND TP.HCM đã ký xác nhận báo cáo đối với các kỳ còn lại, tuy nhiên, Dự án tiếp tục tạm dừng để chờ UBND TP giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình tạm dừng và các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại liên quan đến đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Trungnam BT 1547 khẳng định: “Dự án không thiếu vốn. Nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo Quyết định 2240 của Ngân hàng Nhà nước”.
Ông Tiến cho biết thêm, việc dừng giải ngân là do đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng của Dự án, tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành, nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở. Tại văn bản số 2903/STC-ĐTSC ngày 14/5/2018, Sở Tài chính TP.HCM nêu rõ đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP nên Sở không thể ký xác nhận.
Đến khi có chỉ đạo của UBND TP, đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng đã ký lại tổng hợp các đợt tại văn bản HTFC-SCFC/LO-18-041 vào ngày 27/6/2018.
Dự án tạm dừng khi khối lượng thi công đã đạt 72%, tương đương với tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Trong khi đó, đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi là 803 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường.
Phía đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cho biết, việc không xác nhận thanh toán cho chủ đầu tư vì chủ đầu tư đã dùng thép Trung Quốc để thay thế cho thép xuất xứ G7 trong thi công là sai thiết kế cấp phép ban đầu.
Phía chủ đầu tư Trungnam BT 1547 lại cho rằng, mình thay thế thép là hợp lý với giá thành hiện tại, ngoài ra, đã có văn bản của UBND TP cũng như các đơn vị giám sát kỹ thuật chấp thuận.
“Hợp đồng BT (Điều 10) UBND TP ký với nhà đầu tư không có điều khoản nào hay ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7, châu Âu, thép Mỹ, thép Nhật , thép Trung Quốc. Việc chọn lựa vật liệu thép phôi tấm để nhập về gia công chế tạo cửa van là bất cứ thép nào miễn là đạt chuẩn kỹ thuật (đã có test thí nghiệm đầu vào thép cửa van). Nhà thầu mua thép Trung Quốc thì phải khai báo giá vật tư đầu vào là thép Trung Quốc chứ không phải là mua thép Trung Quốc khai báo giá thép G7 hay thép Nhật hay thép Mỹ…”, ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, dự án cũng đang vướng trong việc đền bù giải tỏa dân trong một số hạng mục dự án nên tới nay vẫn phải đợi đền bù giải tỏa dù đây là dự án trọng điểm của TP.
Tới lạ khi chọn đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng
Một chuyện lạ nữa ở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, theo ông Tiến, trước đây, khi UBND TP.HCM chưa ký hợp đồng với công ty tư vấn giám sát hợp đồng, dự án luôn được tiến hành xây dựng bình thường, nhưng từ ngày 5/6/2017, khi đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt (Công ty Meinhardt), dự án không thể thực hiện vì những văn bản của đơn vị này.
Đặc biệt, mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội và cả Cục thuế TP.HCM và Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM liên tiếp gửi văn bản cho Trung tâm chống ngập thành phố đề nghị phối hợp xử lý những khoản nợ của Công ty Meinhardt để yêu cầu công ty này thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Cụ thể, trong danh sách 272 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất do Cục thuế TP Hà Nội công bố mới đây, Công ty Meinhardt - nhà thầu chính tư vấn giám sát thi công tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn nợ tiền thuế hơn 33,6 tỷ đồng.
Còn Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thì đưa văn bản cho biết Công ty Meinhardt còn nợ bảo hiểm xã hội số tiền gần 4,1 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Meinhardt chỉ có vốn điều lệ 7,2 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là, với các khoản nợ khủng như trên, không hiểu vì sao doanh nghiệp này vẫn được chỉ định thầu gói thầu tư vấn giám sát hợp đồng của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, với tổng giá trị của gói thầu khoảng 33 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước năng lực của đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng này, ngày 17/9, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã nhận văn bản số 9260 từ Văn phòng Thành ủy TP.HCM với nội dung ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Cục Thuế TP.HCM làm rõ và có ý kiến cụ thể về việc nợ thuế kéo dài của Công ty Meinhardt, trụ sở đặt tại số 23-25 Trần Nhật Duật (quận 1, TP.HCM) và việc doanh nghiệp này nợ thuế kéo dài có đủ tư cách để thực hiện các hợp đồng tư vấn hay không… đồng thời báo cáo kết quả cho Bí thư Thành ủy.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ngày 13/9, Sở Tư pháp đã họp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập để xem xét tư cách của Công ty Meinhardt”, đại diện Sở Tư pháp cho hay.
Còn phía chủ đầu tư dự án cho biết, hiện chưa biết ngày nào sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng tiếp dự án. Trong khi đó, BIDV có thể áp dụng lãi suất thương mại 6,9% chênh lệch với lãi suất của Dự án 3% thì phần lãi suất chênh lệch 3,9% tương ứng với số tiền chưa được tái cấp vốn, ước tính đến thời điểm hiện nay khoảng 30 tỷ đồng và sẽ phải do UBND TP chi trả.
Đặc biệt, theo Quyết định số 2240/QĐ-NHNN ngày 8/11/2016 của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn tái cấp vốn sẽ kết thúc vào ngày 31/7/2019, do đó, khi dự án kéo dài sẽ có nguy cơ bị chấm dứt nguồn vốn ưu đãi này.