Cụ thể, ngày 3/4, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến sẽ diễn ra ngày 26/4 tại TP. HCM.
Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023; kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, 2023; kế hoạch về việc tạm dừng trái phiếu chuyển đổi CII42013 đợt 5 vào ngày 3/5/2023…
Điểm đáng lưu ý, trong thông báo ngày 22/2, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cho biết ngày 13/3 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Như vậy, thời gian chốt danh sách cổ đông tham gia đại hội được kéo dài hơn nửa tháng so với kế hoạch ban đầu.
Năm 2023, CII đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 35,8%, về 469 tỷ đồng
Năm 2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (chưa trừ lợi thế thương mại) 469 tỷ đồng và cổ tức dự kiến là 12%.
Được biết, kết thúc năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận 730,87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ. Như vậy, ước tính kế hoạch năm 2023 của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sẽ giảm 35,8% so với thực hiện trong năm 2022, tương ứng giảm 261,87 tỷ đồng.
Thêm nữa, Công ty cũng dự kiến thông qua kế hoạch chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14% và cổ tức năm 2022 là 12% bằng tiền mặt. Trong đó, nội dung này sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Lỗ hoạt động cốt lõi 207 tỷ đồng trong quý IV/2022
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận doanh thu đạt 1.865,2 tỷ đồng, tăng 192,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 43,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 367,99 tỷ đồng, tức tăng thêm 411,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 274,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 221,8 tỷ đồng lên 302,6 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 34,3%, tương ứng tăng thêm 59,7 tỷ đồng lên 233,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 23%, tương ứng giảm 59,7 tỷ đồng về 352,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 12%, tương ứng tăng thêm 16,8 tỷ đồng lên 156,71 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 207 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 517,6 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ vừa qua, Công ty đã thoát lỗ chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 233,8 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận doanh thu đạt 5.755,7 tỷ đồng, tăng 101,2% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 896 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 242,1 tỷ đồng, tức tăng thêm 411,6 tỷ đồng.
Trong năm 2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục ghi nhận lỗ 557,09 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.149,62 tỷ đồng. Như vậy, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM chỉ thoát lỗ trong năm tài chính nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 1.529,4 tỷ đồng, tăng 459,8 tỷ đồng so với năm trước đó là 1.069,6 tỷ đồng.
CII thuyết minh doanh thu tài chính năm 2022 chủ yếu là 810 tỷ đồng từ lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính; 666,8 tỷ đồng lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, tiền gửi và trái phiếu…
Trong năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch doanh thu 8.010,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 756,8 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ là 730,9 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch, đạt 96,6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Thanh toán trái phiếu đáo hạn trong 1 năm lên tới 3.161 tỷ đồng
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM giảm 7,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.274,6 tỷ đồng, về 28.595,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 8.524,5 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 5.902 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.617,1 tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 3.037,6 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm, biến động lớn nhất chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 32,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 433,7 tỷ đồng về 915,6 tỷ đồng; tồn kho giảm 63,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.908,6 tỷ đồng về 1.640,8 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng 60,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.221,5 tỷ đồng lên 5.902 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn giảm 74,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.582,6 tỷ đồng về 535,8 tỷ đồng…
Công ty thuyết minh phải thu dài hạn tăng chủ yếu do phát sinh 1.361 tỷ đồng phải thu về cho vay CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, thời gian vay từ 3 - 20 năm, lãi suất từ 7 - 11%/năm. Ngoài ra, CII còn có thêm khoản phải thu khác 513,6 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 14,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.457,3 tỷ đồng về 14.582,3 tỷ đồng và chiếm 51% tổng nguồn vốn.
Theo thuyết minh lịch thanh toán nợ vay và trái phiếu, trong 1 năm phải thanh toán 3.585,9 tỷ đồng (tổng tiền mặt còn lại 915,6 tỷ đồng); trong năm thứ hai là 2.553,8 tỷ đồng; từ năm thứ ba đến năm thứ năm là 2.768,4 tỷ đồng; và sau năm năm là 4.120,8 tỷ đồng.
Trong đó, riêng lịch thanh toán trái phiếu trong vòng 1 năm là 3.161 tỷ đồng, trong năm thứ hai là 1.590 tỷ đồng, từ năm thứ ba đến năm thứ năm là 372,3 tỷ đồng, và sau năm năm là 1.150 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu CII tăng 350 đồng lên 13.850 đồng/cổ phiếu.