Những mục tiêu kinh doanh trong giai đoạn tới của CMC cho thấy, đại gia công nghệ đang ấp ủ không ít tham vọng. CMC đã xác định chiến lược khá rõ ràng với 3 trụ cột: tích hợp hệ thống, phần mềm và viễn thông với kỳ vọng có được những sản phẩm dịch vụ sáng tạo, độc đáo và đứng số 1 trong mảng thị trường mà mình lựa chọn.
Cụ thể, với tích hợp hệ thống, CMC phát triển các giải pháp công nghệ chuyên ngành hướng tới từng nhóm khách hàng tổ chức, hướng tới mục tiêu số 1 về giải pháp hạ tầng, giải pháp an ninh bảo mật. Với phần mềm, đại gia này tập trung vào các ứng dụng phục vụ cho nhu cầu vừa có tính chuyên biệt, vừa có tính đại chúng. Với mảng viễn thông, CMC khai thác lợi thế tương hỗ giữa tích hợp công nghệ thông tin vào dịch vụ viễn thông.
CMC dành 574,6 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển giải pháp/sản phẩm/dịch vụ |
Về các con số kinh doanh cụ thể, CMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2016 là 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 3%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 179,8 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với năm 2015. Các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt (dịch vụ tích hợp, dịch vụ phần mềm và dịch vụ viễn thông) đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng bình quân 20% cả về doanh thu và lợi nhuận. Cùng với đó, ngân sách cho các hoạt động đầu tư của toàn CMC là 574,6 tỷ đồng, bao gồm đầu tư về cơ sở hạ tầng và phát triển giải pháp/sản phẩm/dịch vụ.
Đại diện CMC tỏ ra khá tin tưởng về khả năng đạt mục tiêu kinh doanh bởi kết quả kinh doanh quý I năm tài chính 2016 (1/4/2016 – 30/6/2016) đã khởi đầu khá thuận buồm xuôi gió. Theo đó, CMC đạt 1.061 tỷ đồng tổng doanh thu thuần, tăng 31% so cùng kỳ năm 2015 và đạt 107% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế quý I đạt trên 40 tỷ đồng, tăng 62% so cùng kỳ năm 2015 và vượt 22% so với kế hoạch quý. Dự kiến, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm tài chính 2016 đạt 2.187 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn CMC lũy kế 6 tháng dự kiến đạt mức 86,7 tỷ đồng.
Chia sẻ mối quan tâm chính của CMC, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của công ty trong giai đoạn tới, ông Hoàng Ngọc Hùng, Phó tổng giám đốc Thường trực của CMC cho biết, CMC là một doanh nghiệp dịch vụ về lĩnh vực công nghệ thông tin và công ty luôn coi chất lượng nhân sự là nhân tố cốt lõi trong định hướng chiến lược.
Liên quan đến chuyên môn, ông Hùng cho biết, trình độ của CMC trong một số mảng hiện đã tiếp cận mặt bằng chuyên môn của các công ty nước ngoài, mặc dù chi phí lương thấp hơn. Tuy nhiên, chính yếu tố này cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp này trước bài toán giữ chân người lao động có chuyên môn.
Trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo CMC cho biết, câu chuyện dịch chuyển lao động là chuyện bình thường và CMC cũng không nằm ngoài quy luật này, nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn kiểm soát được nguồn lực nhân lực. Bởi lẽ, việc dịch chuyển nhân sự trong nhiều trường hợp cũng tùy thuộc vào xu hướng thay đổi về chuyên môn trong doanh nghiệp. Có những mảng chuyên môn công ty đang mở rộng thì sẽ cần thu hút lực lượng, trong khi có những lĩnh vực chuyên môn cần thu hẹp trong định hướng kinh doanh, thì nhân sự có chuyên môn trong lĩnh vực đó có thể sẽ dịch chuyển sang công ty khác đang cần.
Trong thời gian vừa qua, CMC đã xây dựng những công cụ quản lý chất lượng lao động khá hiệu quả, theo đó, doanh nghiệp này, đã áp dụng hệ thống đo đếm năng suất lao động (KPI). Công cụ này có thể đưa ra những đánh giá cơ bản về kết quả lao động của từng cá nhân trong công ty. Ngoài ra, một trong những yếu tố khác được ông Hùng chia sẻ là việc duy trì văn hóa doanh nghiệp: “Công ty luôn cố gắng duy trì bản sắc văn hóa riêng, điều đó sẽ quy tụ những con người có những nét tương đồng lại với nhau và họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết.