Tài chính - Chứng khoán
CNBC: “Hành trình dài nâng hạng của chứng khoán Việt Nam có thể sắp sớm hoàn tất”
Tùng Linh - 30/10/2024 10:22
CNBC mới đây nhắc đến tiềm năng thị trường chứng khoán 200 tỷ USD của Việt Nam từ câu chuyện nâng hạng. Nhất là khi Việt Nam có thể thu hút công ty bán dẫn toàn cầu và hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Nhắc lại về báo cáo phân loại thị trường chứng khoán năm 2024 của FTSE Russell - một trong 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường công bố trong tháng 10 này, CNBC - kênh truyền hình tin tức tài chính lớn nhất của Mỹ cho biết, Việt Nam đã được phân loại là thị trường cận biên và được thêm vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018 để có thể được phân loại thành thị trường mới nổi thứ cấp. FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi ở kỳ đánh giá lần này. FTSE Russell cũng ghi nhận sự ủng hộ liên tục của chính phủ Việt Nam đối với các thay đổi trên thị trường chứng khoán và vẫn đánh giá cao mối quan hệ mang tính xây dựng với UBCKNN, các cơ quan thị trường khác và Ngân hàng Thế giới.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi có thể kéo về dòng vốn hàng tỷ đô la được đổ vào thị trường tài chính của Việt Nam, hiện có giá trị vốn hoá thị trường chỉ hơn 200 tỷ USD.

Chia sẻ tại chương trình “Street Signs Asia” của CNBC, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Invesment Bank (MSVN) nhận định, FTSE có thể nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi sớm nhất vào tháng 9/2025. “Chúng tôi thấy được những tiến triển tốt ở Việt Nam trong việc tháo gỡ các “nút thắt” về quy định để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi”, ông Thành nói với CNBC.

Đây cũng là mục tiêu được Thủ tướng đề ra vào hồi đầu năm. FTSE Russell đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần duy trì tốc độ nếu muốn cán đích mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán năm 2025.

Chuyên gia MSVN cho biết, Chính phủ đang tập trung trở lại vào nền kinh tế, với dự báo tăng trưởng GDP đạt ít nhất 6,2% trong năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% vào năm 2025 nhờ vào sự gia tăng của nhu cầu toàn cầu và niềm tin tiêu dùng trong nước phục hồi.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Việt Nam (VEPR), tăng trưởng GDP trong quý IV/2024 dự kiến đạt 7,4%, từ đó giúp GDP cả năm đạt mục tiêu 7% do Chính phủ đề ra.

CNBC cũng chỉ ra việc Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi các công ty dịch chuyển để tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cùng đó, khả năng sản xuất chip cũng giúp Việt Nam cạnh tranh với Malaysia và thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu.

Theo CNBC, ông Quản Trọng Thành không phải là người duy nhất đưa ra đánh giá lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam. Bà Christine Phillpotts, Phó chủ tịch cao cấp thị trường mới nổi tại Ariel Investments - công ty đầu tư chuyên về các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ có trụ sở tại Chicago đánh giá các quốc gia như Việt Nam đang ở vị thế tương đối tốt bởi ít phụ thuộc vào vốn nước ngoài hoặc có nợ nước ngoài thấp hơn. Do đó, Việt Nam trở thành điểm đầu tư tương đối an toàn.

Việt Nam cũng đang “đặt cược” vào sự phát triển của AI, nhờ tận dụng lợi thế trong khả năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói khi đáp ứng nhu cầu chip toàn cầu. Việt Nam đã thu hút được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ một nhà sản xuất Hàn Quốc kéo dài đến năm 2025. Với thế mạnh về năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip nhằm đáp ứng nhu cầu chip toàn cầu, quốc gia này đã thu hút được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ hoạt động sản xuất Hàn Quốc kéo dài đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.  Khả năng sản xuất chip của Việt Nam đang cạnh tranh với Malaysia, thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu, cùng các trung tâm sản xuất lớn như Samsung và Foxconn đã hiện diện.

Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi các công ty tìm cách bảo vệ chuỗi cung ứng bằng cách thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1” thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế, Việt Nam đang có triển vọng tiếp tục củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việt Nam có lợi thế địa lý khi vừa gần Trung Quốc vừa có thể tiếp cận rộng rãi với thị trường xuất khẩu tại các nước phát triển và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do”, CNBC dẫn lời ông Helmi Arman, chuyên gia kinh tế từ Citi.

Dù vậy, theo các chuyên gia, việc thiếu hụt lao động có tay nghề và cơ sở hạ tầng, đặc biệt về vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện, có thể là những trở ngại khi thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác