Thời sự
Cơ chế xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện vẫn mờ nhạt
Nguyễn Lê - 26/10/2022 07:52
Dù đã được hoàn thiện thêm một bước, song Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vẫn chưa giải được bài toán xã hội hóa y tế, chưa khơi thông dòng chảy cho tự chủ bệnh viện.
Đại biểu thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Tự chủ vẫn là khoảng trống

Đã được cho ý kiến từ Kỳ họp thứ ba và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ tư này, song Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vừa được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội vẫn chưa có lời giải thuyết phục về hai vấn đề được đại biểu rất quan tâm là cơ chế xã hội hóa y tế và tự chủ bệnh viện.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là những bệnh viện lớn, có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ, nhưng vừa qua lại xin thôi thực hiện cơ chế này, quay về hưởng bao cấp từ ngân sách. Việc này xảy ra trong khi rất nhiều cơ sở y tế khác mong chờ được thực hiện tự chủ, khiến nhiều người ngỡ ngàng.

"Rất nhiều người có chung nhận định rằng, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập", ông Cường nói.

Cho rằng, cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình, ông Cường bày tỏ hy vọng, những bất cập về cơ chế quản lý hiện tại sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Thế nhưng ở Dự thảo, "những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế như Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra vẫn đang là một khoảng trống", đại biểu Cường nhận định.

Cũng quan tâm đến vấn đề tự chủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhìn nhận, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K gần như "con thuyền đã bị đắm" vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn.

Ông An cho biết, với 121 điều, Dự thảo chỉ có một từ “tự chủ” duy nhất được nêu ở Điều 106, đó là chi ngân sách cho tự chủ.

Để hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Cường đề nghị cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư. Đồng thời, cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã đạt được.

Một số vấn đề khác, theo đại biểu Cường, cũng cần được quy định rõ, như cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ, trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật.

Dự thảo cũng cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi, mức chi trả tiền lương, tự quyết định đầu tư, mua sắm, trích lập các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư hoặc mua sắm, hoặc đi thuê, hoặc liên doanh, liên kết các máy móc, trang thiết bị.

Hoàn toàn tán thành với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, nên bổ sung một chương quy định rõ về vấn đề tự chủ của hệ thống bệnh viện tại Dự thảo.

Xã hội hóa chưa có lời giải

Bên cạnh tự chủ, xã hội hóa cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm khi thảo luận từ Kỳ họp thứ ba.

Ở dự thảo mới nhất, phương án được chọn là quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng kết cấu hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện, thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải.

Đại biểu lấy ví dụ hình thức vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế đã có từ lâu, nhưng thực tế, rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, lãi suất, vốn đối ứng.

Bà Hà đề nghị, có thể xem xét quy định cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc vay bằng hình thức tín chấp.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đề nghị bổ sung hình thức "mượn tài sản" trong quy định về xã hội hóa.

Theo ông Thức, quá trình dài vừa qua, các bệnh viện công không đủ năng lực để trang bị các hệ thống xét nghiệm chất lượng cao, hiện đại và rất tốn kém, nên đa số các bệnh viện từ hạng một trở lên sử dụng hình thức mượn máy xét nghiệm để sử dụng hết hóa chất hoặc vật tư y tế tiêu hao sau khi trúng thầu, vì hệ thống máy nào thì chỉ hóa chất đó, chứ không sử dụng được loại khác.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, có những loại máy móc, phương tiện chỉ đi với loại loại hóa chất nhất định, nên các hãng đề nghị cho mượn với điều kiện phải dùng loại hóa chất của họ.

"Nhưng chúng ta lại căn cứ vào quy định của đấu thầu, lúc nào cũng phải chăm chăm để đấu thầu, đấu thầu được máy lại không đấu thầu được hóa chất, đấu thầu được hóa chất thì không đấu thầu được máy", ông An nêu sự cần thiết có thêm hình thức như đại biểu Thức đề nghị.

Giải trình cuối phiên thảo luận, vì hết giờ, nên Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chưa kịp đề cập vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, đó là xã hội hóa, tài chính tự chủ trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến sáng 29/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ mời đại diện Chính phủ và các Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội họp để tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo.

Đề nghị Kỳ họp thứ 5 mới thông qua

Nhấn mạnh đây là một dự án luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Quốc hội dành một kỳ họp nữa để hoàn thiện. Lý do là, từ kỳ họp trước đến kỳ họp này đã bổ sung nhiều chính sách lớn, nên việc đánh giá tác động như thế nào khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Đặc biệt, những vấn đề vướng mắc nhất hiện nay trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có cơ chế tự chủ của các bệnh viện, vẫn chưa được giải quyết.

Báo cáo tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về Dự thảo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị xem xét thông qua đạo luật này theo quy trình 3 kỳ họp (ở Kỳ họp thứ năm, diễn ra trong tháng 5/2023).

Tin liên quan
Tin khác