Ngày 14/12/2021, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam thông báo, đã bán thành công 204.300 cổ phiếu của TDMWater (mã TDM), tương đương 0,21% vốn tại doanh nghiệp, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 9,89%.
Cùng ngày, ông Võ Văn Bình, thành viên HĐQT TDMWater cũng thông báo đã bán thành công 1 triệu cổ phiếu trong tổng số 1,75 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương 1,04% vốn tại TDMWater trong thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021.
Hai giao dịch trên là những biến động mới nhất trong cơ cấu cổ đông của TDMWater, nối tiếp việc bán cổ phiếu của hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp như bà Nguyễn Thị Diên, thành viên HĐQT bán 420.000 cổ phiếu (0,41% vốn của TDMWater) trong nửa đầu tháng 10/2021; ông Nguyễn Thành Phong, thành viên HĐQT bán toàn bộ 600.000 cổ phiếu nắm giữ từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2021; bà Nguyễn Thị Mộng Thường, người nội bộ của Công ty bán toàn bộ 350.000 cổ phiếu vào ngày 20/9/2021…
Tính chung từ tháng 12/2020 đến giữa tháng 12/2021, các giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ tại TDMWater nghiêng hẳn về phía bên bán, với hơn 6,12 triệu cổ phiếu được bán ra. Trong khi đó, chiều mua vào khá ảm đạm, với chỉ 17.000 cổ phiếu (theo các thông tin chính thức được công bố).
Hoạt động bán ra cổ phiếu trên diễn ra trong bối cảnh TDMWater báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng sau 9 tháng đầu năm 2021 và triển vọng kinh doanh vẫn được đánh giá khả quan.
TDMWater hiện hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch với 2 nhà máy nước là Dĩ An (khai thác nước từ sông Đồng Nai) và Bàu Bàng (khai thác nước từ hồ Phước Hòa). Toàn bộ hơn 61,5 triệu m3 nước của 2 nhà máy này được bán sỉ qua đồng hồ tổng cho Chi nhánh cấp nước Dĩ An và Chi nhánh cấp nước Bàu Bàng của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, là công ty liên kết của TDMWater).
Việc bán sỉ cho một khách hàng duy nhất giúp TDMWater có nhiều lợi thế như không phải xây dựng đường ống phân phối, giảm rủi ro hao hụt nước, không tốn kém chi phí bán hàng. Công ty cũng được hưởng lợi từ lộ trình tăng bán lẻ nước sạch, khi năm 2018, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định tăng 5%/năm giá nước cho sinh hoạt đô thị và sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đến năm 2022.
Những yếu tố trên đã giúp kết quả kinh doanh của TDMWater giữ được tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2014 - 2019, trước khi chịu sụt giảm về lợi nhuận trong năm 2020. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ khoản cổ tức từ Biwase được chuyển sang ghi nhận trong quý I/2021, thay vì ghi nhận vào quý IV như những năm trước, khiến doanh thu tài chính sụt giảm. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận gộp trong năm 2020 vẫn tăng trưởng hơn 11%.
Nhờ ghi nhận khoản cổ tức từ Biwase sang quý I/2021 giúp doanh thu tài chính tăng, nên kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, TDMWater ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 61,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020, đạt 192,9 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chỉ 8,7% về doanh thu và 2,5% về lợi nhuận gộp.
Về dài hạn, triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của TDMWater vẫn được đánh giá khả quan nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư tại Bình Dương, vị thế của TDMWater, công ty liên kết và khách hàng chính là Biwase, cũng như triển vọng mở rộng công suất qua các dự án hiện hữu và mở rộng thị trường qua các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân.