Mục tiêu lợi nhuận 20.300 tỷ đồng
Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP MB (HoSE: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Báo cáo tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, năm 2022, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 15-16%, tín dụng cũng tăng khoảng 16% và phấn đấu 20%.
MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn GDP<5%, CPI>5%, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động các công ty thành viên, tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận công ty thêm 2-3%. Tăng năng lực bán chéo trong tập đoàn. Đồng thời, MB muốn thu hút mới 2,5-3 triệu khách hàng bán lẻ trong 2022, tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Trong giai đoạn 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tăng trưởng kép với doanh thu và lợi nhuận gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2021, phấn đấu đạt 20 triệu khách hàng.
Ông Lưu Trung Thái hco biết, quý I/2022, ngân hàng đã có thêm 1,6 triệu khách hàng mới và tổng khối lượng khách hàng mới năm nay dự kiến đạt khoảng 5-6 triệu, tương đương năm 2021.
Chia cổ tức 20%, tiếp tục phát hành ESOP
Theo tờ trình tại Đại hội, năm nay, MB tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên hơn 46.882 tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2021. Trong đó, sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP.
MB cũng sẽ triển khai phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2022. Theo đó, MB tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%.
Tiếp theo, ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mới thêm dự kiến 65 triệu cổ phiếu. Giá chào bán thỏa thuận, không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023.
Nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank?
Tại đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình phương án MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Ông Lưu Trung Thái khẳng định, việc nhận chuyển giao này sẽ không làm các chỉ số tài chính của MB bị ảnh hưởng do không phải hợp nhất báo cáo tài chính. Đồng thời, MB cũng không bị tính các chỉ số tài chính của tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc khi tính các chỉ số an toàn vốn. Khoản góp vốn vào tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc cũng không phải trích lập dự phòng giảm giá.
Việc phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ của MB cũng không phụ thuộc vào việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng này. Quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc này dự kiến diễn ra trong 8-9 năm, sau đó sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất báo cáo tài chính.
Lãnh đạo MB cho rằng, việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ mở ra cơ hội để MB tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới.
“Việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ làm tăng sức cạnht ranh của MB trên thị trường. Khi MB giải qyết được câu chuyện khó của ngành ngânh àng thì giá trị thương hiệu cộng thưởng cùng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng lên, hiệu quả quả kinh doanh tăng, giúp mở ra cơ hội gia tăng vốn hóa của MB”, Tổng giám đốc MB kỳ vọng.
Nhận rõ những rủi ro tỏng quá trình tái cơ cấu tổ chưức tín dụng, MB cũng cho biết, quá trình thực thi có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn, do đó, nhóm tái cơ cấu đề xuất xem xét việc miễn trách nhiệm cho các cá nhân thực hiện.
Tên tổ chức tín dụng này không được MB nêu cụ thể song nhiều thông tin rò rỉ trước đó cho thấy, tổ chức tín dụng này là OceanBank.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank diễn ra đầu năm nay, Đại tá Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội và Trung tá Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối CIB Ngân hàng TMCP Quân Đội đều tham dự.
Tại thời điểm đó, ông Lưu Trung Thái cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.
Mặc dù lãnh đạo ngân hàng cam kết việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng không ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính, cổ tức của ngân hàng, song hàng loạt cổ đông vẫn tỏ ra lo lắng về việc ngân hàng phải nhận 'khúc xương" ngân hàng yếu. Nhiều cổ đông lấy ví dụ các trường hợp sáp nhập ngân hàng yếu thời gian qua (ví dụ Sacombank sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam) sau đó đều mất nhiều năm mới xử lý được các tồn tại của ngân hàng yếu.
Về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho hay, MB là một trong 7 ngân hàng được NHNN mời nhận chuyển giao bắt buộc và phương án của MB được chọn. Những năm qua, MB tăng trưởng 20-25% và vẫn kiểm soát an toàn, việc nhận chuyển giao bắt buộc là để mở rộng không gian tăng trưởng cho MB, ngân hàng hoàn toàn tự nguyện, không bị bắt buộc.
Về giá chuyển nhượng, lãnh đạo MB khẳng định mức giá nhận chuyển giao là 0 đồng, tuy nhiên, ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Điều kiện mà MB đưa ra là ngân hàng chuyển giao bắt buộc có số lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng.
Ông Lưu Trung Thái cho hay, để giải quyết số nợ lũy kế này, NHNN sẽ cho MB vay một khoản tiền lãi suất 0%.
Theo tính toán của MB, ngân hàng chỉ mất 7-8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc. sau đó, ngân hàng này sẽ được xử lý theo 3 phương án: Sáp nhập vào MB để tăng quy mô tổng tài sản; bán cho nhà đầu tư khác hoặc IPO, thành lập một ngân hàng TMCP riêng.