Tài chính - Chứng khoán
Cổ đông muốn được chia cổ tức 10% tiền mặt, Chủ tịch Hoà Phát kiên quyết giữ 5%
Thanh Hương - 24/05/2022 14:59
Trong điều kiện thị trường chứng khoán tràn sắc đỏ và giảm mạnh, mong muốn được chia cổ tức bằng tiền mặt 10% bên cạnh cổ tức bằng cổ phiếu thưởng là 30% được nhiều cổ đông chờ đợi.

Dẫu vậy, mong muốn này của các cổ đông đã không trở thành sự thật khi Ban lãnh đạo của Tập đoàn Hoà Phát vẫn kiên quyết giữ mức chia cổ tức 5% bằng tiền mặt bên cạnh 30% bằng cổ phiếu thưởng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của doanh nghiệp này diễn ra sáng ngày 24/5.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho hay, không thể chia cổ tức tiền 10% được, chia 5% đã rất căn cơ, đắn đo rồi. “Ngày hôm qua tôi cũng đã hỏi đi hỏi lại các giám đốc tài chính các đơn vị nhưng không làm được”, ông Long nói.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát

Chủ tịch của doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam cũng cho hay, mỗi ngày doanh thu của Hoà Phát đạt trung bình 500 tỷ đồng, nghĩa là một năm có doanh thu khoảng 160.000 tỷ đồng, vào hàng lớn nhất Việt Nam.

Nhưng dù “quy mô doanh thu này này bằng 1.000 doanh nghiệp loại thường, thậm chí có thể bằng 4.000 - 5.000 công ty nhỏ” và lợi nhuận cũng không nhỏ nhưng việc chia cổ tức tiền với mức 10% như cổ đông chờ trông là rất khó khăn, dù Hoà Phát có khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng tiền mặt để ở ngân hàng.

Theo lý giải của lãnh đạo Hoà Phát, với quy mô hoạt động hiện nay, Hoà Phát cần 20.000 tỷ đồng là “tiền lỏng” phục vụ cho hoạt động bình thường.

Sau Nhà máy Dung Quất 1, Hoà Phát đang bắt đầu triển khai Dự án Dung Quất 2 quy mô 80.000 tỷ đồng

Ngoài ra quy mô của Dự án Dung Quất 2 vào khoảng 80.000 tỷ đồng nhưng cũng chỉ vay ngân hàng được tầm 35.000 tỷ đồng, nên phải có tiền của mình để bỏ ra.

Năm 2021, dù dịch Covid 19 đạt đỉnh sau khi đã càn quét toàn cầu với bao hệ lụy, ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, chính trị. Tuy nhiên, Hòa Phát không chỉ vững vàng trong thời kỳ dịch bệnh mà tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Hòa Phát đều tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời Hòa Phát cũng thực sự vươn tầm quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, thương mại toàn cầu.

Cụ thể, Hòa Phát ghi nhận 150.800 tỷ đồng doanh thu và lần đầu cán mốc lợi nhuận ròng 34.520 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 65% và 156% so với năm 2020. Với kết quả này, Tập đoàn Hòa Phát vượt 26% và 92% kế hoạch năm. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử của Tập đoàn cũng như của một công ty sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Mức lợi nhuận này cao gấp hơn 4 lần so với trước khi Hòa Phát bắt tay xây dựng Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất cách đây 5 năm.

Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2021 là 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ, trong đó, 3 địa bàn Hòa Phát có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương. Trong năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đứng thứ 13 trong top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam.

Lĩnh vực Thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 96% toàn Tập đoàn.

Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 32,6% và 24,7%. Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được Thép cuộn cán nóng HRC. Trong năm 2021, Hòa Phát cũng khởi công nhà máy sản xuất Container tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Lĩnh vực nông nghiệp mang về 718 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận nhóm này chiếm lần lượt 5% và 2% toàn Tập đoàn. Bò Australia giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch của Hòa Phát cũng thuộc top đầu của thị trường. 

Doanh thu lĩnh vực bất động sản tăng 126% so với năm 2020, các khu công nghiệp liên tục mở rộng, tỷ lệ lấp đầy trên 90% và được các nhà đầu tư tin tưởng và yêu thích. Hòa Phát thành lập thêm 2 công ty trong lĩnh vực bất động sản nghiên cứu triển khai các khu đô thị và đại đô thị hiện đại tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.

Năm 2021, Hòa Phát quyết định đầu tư lớn vào lĩnh vực điện máy gia dụng; tăng cường công tác quảng bá, bán hàng; khởi công xây dựng nhà máy tại Hà Nam, Bà Rịa Vũng Tàu với công suất 1 triệu sản phẩm/năm.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 là 160.000 tỷ đồng doanh thu và 30.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tỷ lệ cổ tức 2022 dự kiến là 25%.

Đây cũng được xem là thách thức với các thành viên ban điều hành. Lý do là nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, cuộc xung đột Nga-Ucraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, nguy cơ lạm phát ngày càng rõ hơn,... Tập đoàn sẽ ưu tiên quản trị tốt hàng tồn kho, theo sát diễn biến giá nguyên liệu, có chính sách điều tiết hợp lý; tiêu thụ hết số lượng sản phẩm sản xuất ra; tiếp tục dẫn đầu thị phần toàn quốc về thép xây dựng và ống thép – tôn mạ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép.  

Về dự án Dung Quất 2, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, Dự án Dung Quất 2 dự kiến được triển khai trong vòng 30-36 tháng, tính từ tháng 5/2022. Dự án được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, hạng mục nào làm được trước sẽ làm ngay. Khi hoàn thành, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ là 14 triệu tấn, lọt Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Tin liên quan
Tin khác