Giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư sốt ruột
Năm 2017, kinh doanh ngân hàng khởi sắc, cổ phiếu ngân hàng đang lấy lại đà tăng trưởng, bỏ xa mệnh giá 10.000 đồng. Vì vậy, nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong lúc này, thì cổ đông, nhà đầu tư có lợi hơn so với tiền mặt. Giá cổ phiếu “vua” còn được kỳ vọng bật lên trong thời gian tới, nên thu hút không ít người quan tâm.
. |
Chuyên gia phân tích tài chính Phan Dũng Khánh nhận định, với dự báo sức tăng trưởng của ngành trong năm 2018 theo chiều hướng tích cực, các nhà băng đặt ra mục tiêu lợi nhuận tương đối cao, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đó cũng là lý do để các nhà đầu tư mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Thực tế thị trường chứng minh, trong thời gian ngắn qua và nhất là những tháng đầu năm 2018, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã tăng không dưới 40% (VCB, HDB, VPBank, ACB… lần lượt đạt giá chốt trong phiên cuối ngày 30/3 là 70.000 đồng, 46.000 đồng, 64.000 đồng, gần 47.000 đồng), nhưng hứa hẹn còn tiềm năng.
Theo TS. Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), với kết quả kinh doanh đạt được khả quan trong năm 2017, cổ tức được các ngân hàng chia cho cổ đông tích cực hơn và chủ yếu bằng cổ phiếu. Điều này được cho là tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu tăng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng chia cổ tức cho cổ đông mà để lại làm “của để dành”, đơn cử như Techcombank.
Nhân cơ hội tăng năng lực tài chính
Trước áp lực tăng năng lực tài chính đáp ứng chuẩn Basel II, nên trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hầu hết các ngân hàng đều trình phương án tăng vốn điều lệ, trong đó một phần là thông qua cổ tức.
VPBank đã lập phương án tăng vốn điều lệ năm 2018 thêm khoảng 12.000 tỷ đồng, lên hơn 27.000 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn điều lệ sẽ được chia thành các đợt, bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước và chia thặng dư vốn.
Trong các tờ trình tới Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của VIB, có một tờ trình về việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 2.400 tỷ đồng, lên tối đa 8.100 tỷ đồng, gồm: chào bán cổ phiếu quỹ, phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới, chia cổ phiếu thưởng từ quỹ dự trữ, đầu tư phát triển, lợi nhuận để lại và thặng dư vốn cổ phần. Đại hội đã thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên tới 36%, gồm tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt là 5%, tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng là 31%.
Nhờ kết quả kinh doanh vượt trội năm 2017, lãnh đạo HDBank dự định sẽ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 25-30% bằng tiền mặt và cổ phiếu cho cổ đông, phương án cụ thể sẽ được HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông trong ngày 21/4. Các năm trước, ở thời kỳ ngành ngân hàng có nhiều biến động, HDBank luôn duy trì mức trả cổ tức trên dưới 10%. Trong bối cảnh thị trường ngân hàng đang bùng nổ và cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, mức cổ tức “khủng” mà HDBank đưa ra sẽ là cú hích cho cổ phiếu HDBank.
Mặc dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu, song để có thể làm ấm lòng cổ đông, SCB đã có sự đổi khác trong năm nay khi lấy khoảng 600 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, ứng với khối lượng phát hành 60 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 4,2% trên vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng) cho cổ đông.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra - Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc chia cổ tức diễn ra sau khi ngân hàng đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng thời xử lý các khoản lãi dự thu. Nhà băng phải đảm bảo các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phải trích lập các quỹ theo quy định. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.