Một năm gặt hái quả ngọt
Kết thúc năm 2018, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận cao. Sacombank vừa công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 dự kiến đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tín dụng ước đạt 258.000 tỷ đồng, tăng 14%; nợ xấu giảm về dưới 3%.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2018 tăng 40% |
Trong năm 2018, tổng thu nhập của ngân hàng này ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017, trong đó tăng trưởng thu lãi và dịch vụ cải thiện nhiều so với năm trước, nổi bật là thu dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.
Với Vietcombank, lợi nhuận năm 2018 được cho là đột biến khi Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng này đạt kỷ lục mới gần 15.000 tỷ đồng trước thuế, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch năm là 12.000 tỷ đồng. Trong đó, có tính đến lợi nhuận từ thoái vốn Eximbank, MBBank (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Lãnh đạo Vietcombank cho rằng, kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của ngân hàng do việc tăng thu từ tín dụng, đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ, thu nhập từ hoạt động bảo hiểm với các chỉ số tăng trưởng rất khả quan.
Lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng đã hoàn thành được 77 - 80% kế hoạch cả năm 2018 chỉ sau 3 quý và đến hết tháng 11 đã chạm đích đưa ra.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2018 tăng 40%. Trên thực tế, mới cuối tháng 11/2018, nhiều đơn vị đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu kinh doanh năm được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó lợi nhuận tăng mạnh.
Cổ tức hứa hẹn cao
Với kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2018, các nhà băng hứa hẹn sẽ có mức cổ tức cao cho cổ đông trong kỳ đại hội cổ đông thường niên tới đây. Vả lại, đây cũng là thời điểm các nhà băng chạy đua tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính - cạnh tranh, nên việc mạnh tay chi cổ tức bằng cổ phiếu là cần thiết. Từ đó, các nhà băng mới có thể đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế tiêu chuẩn Basel II.
ACB dự kiến chia cổ tức năm 2018 ở mức 30% bằng cổ phiếu, tăng gấp đôi so với cổ tức năm 2017. Với mục tiêu lợi nhuận 5.699 tỷ đồng được đặt ra trong năm 2018 có vẻ không quá cao so với năng lực của ACB khi 3 quý đầu năm đã đạt 4.776 tỷ đồng trước thuế.
HDBank cũng là một trong những nhà băng mạnh tay chia cổ tức cao. Năm 2018 đánh dấu một năm kỷ lục của HDBank với 2.417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110,6% so với năm trước và hoàn thành 185,9% kế hoạch được Đại hội cổ đông thông qua đầu năm. Do đó, ngân hàng này quyết định chia cổ tức cho cổ đông tới 35%, bao gồm 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu thưởng. Mức lợi nhuận cao giúp hệ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngân hàng này duy trì mức trên 20%.
Mới đây, báo cáo của HSC ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất HDBank trong năm 2018 đạt 3.958 tỷ đồng (tăng trưởng 63,79%). Đây là cơ sở để cổ đông HDBank kỳ vọng cổ tức năm 2018 và khả năng sẽ không thấp hơn tỷ lệ của năm 2017.
Thực tế cho thấy, trong mùa đại cổ đông ngành ngân hàng đầu năm 2018, giới đầu tư cổ phiếu ngân hàng “vui như Tết” vì được nhận cổ tức khủng và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ cao ngất ngưởng. Năm nay, cổ tức được dự đoán còn cao hơn năm trước.
Thưởng Tết Kỷ Hợi cao nhất tại TP.HCM thuộc về ngân hàng
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp với 415.000 người lao động trên địa bàn, năm nay thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tăng so với năm ngoái.
Trong đó, mức thưởng tết cao nhất là 1,17 tỷ đồng, thuộc về một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM. Mức thưởng Tết cao nhất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 500 triệu đồng, trong khi mức thưởng trung bình của khối này là 9,4 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 70%.